Phần Lan mua siêu đạn chống tăng

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Phần Lan vừa công bố quyết định mua đạn pháo đặc biệt tối tân 155mm BONUS Mk II để trang bị cho lực lượng gần biên giới với Nga.

Đạn BONUS có thể khai hỏa từ nhiều loại pháo chuẩn NATO.
Đạn BONUS có thể khai hỏa từ nhiều loại pháo chuẩn NATO.

Tờ Defense News ngày 7/3 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết, cơ quan này đã ký bản hợp đồng trị giá 35 triệu Euro với nhà thầu quốc phòng Nexter của Pháp để mua về đạn pháo 155mm BONUS.

"Khi được tiếp nhận, loại đạn tối tân này sẽ được trang bị cho những đơn vị pháo binh dọc theo tuyến biên giới với Nga", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết.

Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ số lượng đạn mua về và thời điểm được tiếp nhận chúng.

Theo báo Mỹ, 155mm BONUS là loại đạn chùm (cassette) do Công ty Bofors của Thụy Điển và Nexter của Pháp cùng phát triển, nhằm thực hiện các cuộc tấn công phá hủy tăng thiết giáp và các phương tiện cơ giới của đối phương.

Khác với đạn pháo chứa thuốc nổ hoặc những vật nhồi khác, đạn pháo được bắn thẳng vào những mục tiêu không bị che khuất, đạn pháo có thể được chia thành khoảng chục loại.

Loại phổ biến nhất là loại nổ mạnh thường gồm vỏ thép, chất nổ và ngòi đạn. Ngòi đạn làm nổ đạn, tạo ra các mảnh văng. Tùy loại ngòi mà đạn nổ trên mặt đất, trên không, hoặc sau khi xuyên xuống đất.

Để diệt các mục tiêu hạng nặng được bảo vệ kỹ bằng giáp kim loại như xe tăng, tàu chiến, người ta dùng đạn xuyên giáp (AP). Đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) tận dụng hiệu ứng Munroe (hiệu ứng xuyên lõm) để xuyên thủng xe bọc thép có ít lớp vỏ bảo vệ.

Đạn pháo 155mm BONUS có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 35km và tạo ra sức sát thương khủng khiếp. Quả đạn này là đạn mẹ nặng 47kg chứa hai 2 đạn con EFP tự điều khiển, với cảm biến phát hiện mục tiêu và kích nổ đầu đạn, áp dụng chế độ bắn và quên.

Khi đạn pháo 155mm BONUS bay đến khu vực mục tiêu, đạn thứ cấp chống tăng thiết giáp sẽ được giải phóng khỏi đạn mẹ và mở ra hai cánh cản nhỏ. Khi lao xuống, đạn thứ cấp quay và quét khu vực bên dưới bằng các cảm biến hồng ngoại đa tần số so sánh các phương tiện được phát hiện với cơ sở dữ liệu mục tiêu được lập trình.

Chuyên gia của Defense News cho rằng, hiện nay, các phương tiện cơ giới của Nga đa số đều chưa trang bị được khả năng đối phó với 155mm BONUS - loại đạn được cho là cũng đang có mặt trong thành phần chiến đấu của Quân đội Ukraine chống lại Nga.

Nhận định được cho là có cơ sở và việc chưa đối phó được với 155mm BONUS chính là nguyên nhân khiến Nga buộc phải sử dụng UAV nhiều hơn trong các cuộc tấn công thời gian gần đây, nhằm giảm thiểu thương vong về con người và trang bị trước loại đạn này.

Chuẩn tướng Jari Tolppanen của Quân đội Phần Lan còn cho biết, xung đột Ukraine đã thay đổi căn bản tình hình an ninh khiến nước này không chỉ mua vũ khí mà còn xây dựng hàng rào kiên cố dọc biên giới với Nga nhằm ngăn chặn mối đe dọa.

Cùng với Phần Lan, Estonia, Latvia và Ba Lan cũng đã tăng cường an ninh khu vực biên giới với Nga hoặc đang lên kế hoạch làm như vậy.

Quốc hội Phần Lan bắt đầu thảo luận về dự luật đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO. Phần Lan cùng Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ và nộp đơn xin gia nhập NATO, sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ