Phần Lan điều tra đường ống khí đốt nghi bị phá ngay trước mùa đông

GD&TĐ - Ngày 10/10, Helsinki thông báo về cuộc thăm dò để kiểm tra đường ống khí đốt Balticconnector nối Phần Lan và Estonia nghi bị phá hoại.

Một trạm nén của đường ống dẫn khí đốt biển Balticconnector ở Inga (Inkoo), Phần Lan. (Ảnh: AFP)
Một trạm nén của đường ống dẫn khí đốt biển Balticconnector ở Inga (Inkoo), Phần Lan. (Ảnh: AFP)

Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho rằng đường ống và cáp viễn thông đã bị hư hỏng do một hành động có chủ ý.

“Hoạt động bên ngoài có khả năng làm hư hỏng cả đường ống dẫn khí và cáp thông tin liên lạc.

Nguyên nhân thiệt hại vẫn chưa rõ ràng, cuộc điều tra vẫn tiếp tục với sự hợp tác giữa Phần Lan và Estonia” – ông Niinisto cho biết trong một tuyên bố.

Theo Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo, nguồn cung năng lượng của Phần Lan vẫn ổn định. Ông nói thêm, rò rỉ từ đường ống trên là “đáng lo ngại”, nhưng việc cáp viễn thông bị hư hại không ảnh hưởng đến khả năng kết nối của đất nước.

Trong một cuộc họp báo, ông Orpo cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Đường ống Balticconnector đã ngừng hoạt động vào sáng 8/10 do nghi ngờ có sự rò rỉ. Bình luận về việc ngừng hoạt động, một giám đốc điều hành cấp cao của công ty năng lượng nhà nước Phần Lan Gasgrid Janne Gronlund nói rằng đường ống có thể chưa hoạt động được cho đến cuối mùa đông sắp tới.

Ra mắt năm 2019, đường ống dài 77 km trên được sử dụng để chuyển khí đốt từ kho cảng nhập khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Phần Lan đến Estonia có công suất hàng năm là 2,6 tỷ mét khối.

Tổng thống Niinisto trước đó cho biết ông không loại trừ nguyên nhân là do hoạt động từ bên ngoài.

“Hôm nay tôi đã có cuộc trò chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. NATO sẵn sàng hỗ trợ điều tra” - ông Niinisto nói với giới truyền thông.

Cuộc điều tra đã làm dấy lên mối lo ngại về tính dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng dưới biển sau vụ nổ tại đường ống Nord Stream gần đó.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nối Nga với Đức đã bị nổ trong một hành động phá hoại vào năm ngoái. Kể từ đó, các nước châu Âu kể đã tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng của mình.

Giá khí đốt châu Âu đã tăng tới 12,7% hôm 10/10, đạt mức cao nhất trong khoảng 2 tuần.

Sự tăng giá này là do tin tức về việc Balticconnector ngừng hoạt động, cũng như việc gã khổng lồ năng lượng Chevron của Mỹ ngừng sản xuất tại một mỏ ở Israel.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ