Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang ổn định phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Năm 2024, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang dự kiến tuyển sinh gần 1.000 chỉ tiêu.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang ổn định phương thức tuyển sinh.
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang ổn định phương thức tuyển sinh.

Giữ ổn định phương thức xét tuyển

Mùa tuyển sinh năm 2024, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang dự kiến tuyển sinh gần 1.000 chỉ tiêu cho 11 ngành trình độ đại học và 1 ngành trình độ cao đẳng theo 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp THPT (học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển (đối với ngành Sư phạm).

Cụ thể, Phân hiệu sẽ chủ trì đào tạo chuyên ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non hệ đại học, giáo dục mầm non cao đẳng. Đồng thời phối hợp với các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên như: Đại học Khoa học, Đại học Nông lâm, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học kỹ thuật công nghiệp - Đại học Thái Nguyên mở đa dạng các chuyên ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Theo TS Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang: Để công tác tuyển sinh được hiệu quả, Phân hiệu đã tập trung nguồn lực, đề ra các kế hoạch, chương trình cụ thể. Các hoạt động tuyển sinh được triển khai bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin như: Tuyên truyền quảng bá qua các kênh thông tin phát thanh, panô, áp phích, băng rôn, phối hợp với các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên tuyển sinh liên thông hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2, đào tạo sau đại học…

Đồng thời, công tác quảng bá tuyển sinh của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được triển khai hợp lý và linh hoạt phù hợp với thực tế của từng giai đoạn tuyển sinh. Phân hiệu cũng đã xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu các ngành, tư vấn tuyên truyền tại các trường THPT, các cơ sở giáo dục có học sinh THPT học tập trên địa bàn tỉnh và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang.

Tạo môi trường cho sinh viên DTTS học tập và phát triển

Cũng theo TS Lục Quang Tấn, tuy mới thành lập nhưng được sự quan tâm của tỉnh Hà Giang và sự hỗ trợ của Đại học Thái Nguyên về trang thiết bị học tập, Phân hiệu đã đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất của trường. Hiện tại, Phân hiệu có quy mô hơn 2 ha, với các khu vực giảng đường, hội trường, thư viện, các phòng chuyên môn và khu vực hiệu bộ.

Với gần 100 cán bộ, giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh vùng cao, các thầy cô không chỉ vững chuyên môn mà còn hiểu phong tục tập quán, có nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ cho sinh viên.

Hiện nay, số sinh viên hệ đào tạo chính quy đang theo học tại Phân hiệu là 573 sinh viên. Trong đó, 495 sinh viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 86.4 %); 16 sinh viên là dân tộc rất ít người (chiếm 2.78%).

Các sinh viên của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang luôn được hỗ trợ, học tập trong môi trường hiện đại.

Các sinh viên của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang luôn được hỗ trợ, học tập trong môi trường hiện đại.

Để học sinh có cơ hội học tập nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh, Phân hiệu đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hưởng học bổng khuyến khích học tập và các khoản hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Việc học tập tại Phân hiệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên vì không phải di chuyển xa, tiết kiệm nhiều chi phí và có nhiều chế độ cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cũng có giải pháp hỗ trợ sinh viên về chỗ ăn, nghỉ và liên hệ với các cơ sở du lịch có nhu cầu tuyển dụng để tạo điều kiện làm thêm, thực hành và việc làm sau này.

Với môi trường học tập đa văn hóa, đa dạng về ngành học và nhiều hệ sinh thái học tập tiện ích, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên hoàn thiện các kỹ năng mềm, bên cạnh môi trường rèn luyện về kỹ năng ngoại ngữ và chuyên môn sẽ là điều kiện học tập và cạnh tranh cơ hội việc làm cho người học trong và sau quá trình học tập tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang.

Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang Lục Quang Tấn, chia sẻ thêm: Với mục tiêu đào tạo các thế hệ sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên” để cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương, phục vụ sự phát triển KT – XH tỉnh Hà Giang những năm tiếp theo. Tương lai mở rộng đào tạo cung cấp nhân lực cho các khu vực trong nước và vươn ra quốc tế. Những năm tiếp theo, Phân hiệu sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo một môi trường tốt nhất đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tuyển sinh ngành an ninh mạng Đại học Duy Tân