Phản đối bổ sung đa vi chất vào Sữa học đường: Đạo đức hay tội ác?

Sữa học đường - một chương trình Quốc gia đầy tính nhân văn gắn với hàng loạt mục tiêu lớn lại đang bị tấn công suốt một năm nay với những chứng cứ đầy mập mờ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tấn công vào ly sữa học sinh

Sữa học đường được Chính phủ ban hành năm 2016 nhưng trước đó nhiều năm, hơn chục tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai. Để có ly sữa cho học sinh mầm non, tiểu học uống ở trường là nỗ lực lớn của địa phương, phụ huynh và doanh nghiệp cung cấp. Đó là mô hình “3 nhà”, ngân sách tỉnh, ngân sách doanh nghiệp và ngân sách phụ huynh cùng bỏ ra để có được ly sữa học đường cho trẻ.

Một chương trình đầy tính nhân văn như thế, đã và đang được hàng triệu phụ huynh, học sinh đón nhận thì đột nhiên bùng phát hàng loạt thông tin “lên án” quanh việc bổ sung đa vi chất vào Sữa học đường. Thậm chí, người ta còn có thể đặt ra các “nghi án”: Làm vậy là “đem hàng triệu học sinh ra thí nghiệm”, “cho học sinh uống thực phẩm chức năng”!?

Nói dối, nói mập mờ, nói thất thiệt 1000 lần thì cũng thành nói thật. Để tăng độ “giật gân”, một số kẻ còn tung tin dẫn dắt dư luận: Sữa học đường của Vinamilk là sữa bột pha nước nên phải “lắc đều khi uống”, là sữa nhập từ Trung Quốc, là nhập từ Newzeland gây ung thư...

Người tiêu dùng luôn nhạy cảm và giật mình trước những thông tin đó. Còn doanh nghiệp thì lãnh đủ hậu quả. Trong mấy phiên liên tiếp, cổ phiếu của Vinamilk sụt giảm mất 9000 tỷ đồng!

Vẫn chưa dừng lại. Người ta đang cố tình tấn công vào Bộ Y tế khi cho rằng việc ban hành Thông tư 31 về Sữa học đường ngày 5/12 vừa rồi là “vội vàng”, “không có cơ sở khoa học”... Đặc biệt, họ đặt ra vấn đề: Không thể bổ sung đến 21 vi chất vào Sữa học đường vì sẽ “ảnh hưởng đến sức khoẻ” học sinh?!

Một số ý kiến thậm chí còn đặt vấn đề: Mỗi huyện có thực trạng, chế độ dinh dưỡng khác nhau nên phải tiến hành nghiên cứu lâm sàng trẻ em ở từng huyện rồi mới có thể quyết định bao nhiêu vi chất! Họ đang làm thay các chuyên gia dinh dưỡng, cố tình phủ nhận hoặc bỏ qua các phương pháp nghiên cứu, thực nghiệm về dinh dưỡng.

Trên thế giới, không một quốc gia nào làm như vậy!

Có nhiều ý kiến thì cho rằng, một số doanh nghiệp sản xuất sữa phản đối việc bổ sung 21 vi chất. Đến bây giờ, chưa rõ là doanh nghiệp sản nào và cũng chưa có doanh nghiệp nào lên tiếng, có văn bản gửi đến Bộ Y tế. Chỉ có một thực tế là sản phẩm sữa của các doanh nghiệp đang có mặt ở Việt Nam đều bổ sung đa vi chất. Sữa học đường của THtruemilk, Nutifood cũng vậy.

Tất cả các ý kiến phản đối, thậm chí lên án đều đưa ra các luận điểm, chứng cứ mập mờ, hư hư thực thực...Nhưng có lẽ, càng mập mờ, càng hư hư thực thực càng khiến người tiêu dùng, phụ huynh hoang mang.

Đạo đức hay tội ác?

Có lẽ, chúng ta cần phải nhắc lại câu hỏi trên một lần nữa. Đã đến lúc, dư luận, lương tâm, lương tri xã hội, trách nhiệm của đất nước với sự phát triển của trẻ em cần phải lên tiếng giải quyết một cách rạch ròi và sòng phẳng câu hỏi trên!

Nếu có bằng chứng Vinamilk dùng sữa bột pha để làm Sữa học đường, hãy tố cáo và yêu cầu xử lý nghiêm!

Nếu có đủ bằng chứng, cơ sở khoa học phản biện việc bổ sung 21 vi chất vào Sữa học đường là gây nguy hại cho sức khoẻ học sinh, hãy yêu cầu Bộ Y tế huỷ bỏ. Ngược lại, nếu không có bằng chứng, cơ sở khoa học nhưng vẫn cố tình lên án, tung tin thất thiệt thì các cơ quan chức năng cũng nên kiên quyết xử lý theo Luật An ninh mạng.

Hiện, facebook không còn là “ảo” nữa! Người dùng mạng xã hội không thể tự do lên facebook chửi mắng, tố, quy chụp một doanh nghiệp là làm ăn chụp giật, là lừa đảo, là chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ sức khoẻ người tiêu dùng. Nếu không có đủ bằng chứng và động cơ đen tối được làm rõ, thiệt hại của doanh nghiệp được định lượng, người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quay trở lại câu chuyện “vi chất”, tại sao trên thế giới, người ta phải bổ sung đa vi chất vào sữa và Sữa học đường? Tại sao Nhật Bản, một nước vốn có chiều cao thấp ở châu Á nhưng nhờ triển khai Sữa học đường từ rất sớm cùng chế độ dinh dưỡng chú trọng đa vi chất đến nay đã thành một quốc gia người dân có thể thể hình, thể trạng hàng đầu châu Á

Và tại sao doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai Sữa học đường ở nhiều tỉnh, thành phải bổ sung đa vi chất vào sản phẩm này? Vinamilk  cứ “cố” bổ sung đa vi chất vào Sữa học đường làm gì để vừa tốn tiền, vừa phải chịu hàng loạt điều tiếng thị phi?

Câu trả lời: Đó là mục tiêu phát triển sản phẩm phục vụ yêu cầu ngày càng cao của con người. Đó là tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp trị giá nhiều tỷ USD như Vinamilk.

Làm Sữa học đường không có lãi thậm chí lỗ. Nhưng với một thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam, thương hiệu, uy tín, sự tin cậy là điều còn lớn hơn lời lãi trước mắt. Tiền không thể sinh ra tiền nếu không có con người. Hay nói cách khác, lấy con người làm động lực phát triển thì con người mới là “đẻ” ra tiền.

Đó còn vì câu chuyện liên quan tới nguồn nhân lực của Quốc Gia.

Sữa học đường ở Việt Nam liên quan đến Chiến lược phát triển tầm vóc, thể chất của Quốc gia. Ngày 28/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển Tầm vóc Người Việt Nam Giai đoạn 2011-2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là: Đối với nam 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 167 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 156 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5 cm.

Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là đến năm 2020, thể hình, thể trạng người Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất khu vực, tỷ lệ còi xương suy dinh dưỡng (kể cả trẻ em thành thị) vẫn còn ở mức 25%!

Mấy tháng trước, tại Ngày Dinh dưỡng Quốc gia, vấn đề này lại được gióng lên. Hàng loạt vi chất như can xi, kẽm, sắt, vitamin... đều thiếu khiến nguy cơ thấp còi của trẻ em Việt Nam đến mức đáng lo ngại.

Hãy nghe Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao tới 24,3%; tỉ lệ thừa cân-béo phì có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa vv…”. 

Theo Bộ Y tế, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Chiều cao của người Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm từ 1993 đến nay, còn cách rất xa so với mục tiêu đặt ra và hiện thấp hơn chiều cao trung bình của các nước châu Á. Mặc dù Việt Nam là một trong số ít các nước đạt được mức giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em gần với Mục tiêu Thiên niên kỷ, song chưa đạt được một số chỉ tiêu đã đề ra.

Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới năm tuổi mỗi năm chỉ giảm 1,0% và hiện vẫn ở mức cao, chiếm 24,6% và có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%...

Trong các giải pháp khắc phục tình trạng trên, bổ sung đa vi chất vào sữa và sữa học đường được ưu tiên nhắc đến.

Và đây chính là câu trả lời cho các câu hỏi ở trên. Bộ Y tế với chuyên môn của mình, trực tiếp là các nghiên cứu và kết quả từ Viện Dinh dưỡng đã đi đến quyết định bổ sung 21 vi chất vào Sữa học đường cũng là vì các lý do trên.

Không bổ sung đa vi chất thì khó đạt được yêu cầu trong Chương trình Sữa học đương mà Chính phủ yêu cầu. Đó là điều không phải bàn cãi.

Đến đây, tôi cho rằng khi ai đó lên tiếng phản đối đưa vi chất vào Sữa học đường mà không có chứng cứ cho sự phản bác ấy,  thực sự là gián tiếp phá hoại sự phát triển của giống nòi. Đó cũng là tội ác!

Theo vnmedia.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ