Tình trạng thiếu đạn dược của NATO do việc cung cấp đạn dược cho Ukraine có thể dẫn đến sự chia rẽ trong Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, nhà bình luận Lili Bayer viết trong bài báo cho tờ Politico.
Bà Lili Bayer cho biết, trong khi Ukraine đang rất cần thêm đạn dược và vũ khí từ các đồng minh thì một số quốc gia NATO đang quan ngại về kho dự trữ đạn dược của chính họ, thậm chí một số nước còn không đủ đạn dược để đáp ứng yêu cầu dự trữ chiến tranh của NATO.
Do đó, hiện đang xuất hiện nguy cơ là không phải tất cả các đồng minh NATO sẽ giữ lời hứa đóng góp vũ khí, đạn dược cho các kế hoạch cung cấp mới của khối này cho Ukraine.
Bài báo cho biết, để giải quyết vấn đề này, сác nước NATO sẽ cần phải thuyết phục quốc hội của từng quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng, cũng như cung cấp nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm một lượng lớn vũ khí, thiết bị và đạn dược đắt tiền.
Thế nhưng điều này là không hề dễ dàng bởi mỗi tháng Quân đội Ukraine tiêu tốn số tiền hàng tỷ dollars cho cuộc xung đột với Nga, mà khoản tiền này không nhiều quốc gia NATO sẵn sàng cáng đáng.
Ví dụ như chỉ tính riêng đạn pháo, mỗi tháng Lực lượng Vũ trang Ukraine cần tới 250.000 quả đạn pháo 155mm hạng nặng, mà mỗi quả đạn này có giá tới 3.500 USD/quả.
Như vậy, chỉ tính riêng đạn pháo mỗi tháng Ukraine cũng ngốn mất số tiền là 875 triệu USD.
Nhìn chung, đến giai đoạn này các quốc gia châu Âu đã bắt đầu chán nản và bắt đầu dè dặt trong việc cung cấp tiền bạc, vũ khí cho Ukraine bởi những tín hiệu ảm đạm trên chiến trường, cùng với đó là tỷ lệ ủng hộ Kiev trong quốc hội các nước đã bắt đầu giảm sút rõ rệt.
Đồng thời, các tác giả cũng nhấn mạnh rằng, kể cả việc có nguồn cung tài chính đầy đủ thì quá trình bổ sung dự trữ của các nước thành viên NATO cũng chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, chứ đừng nói là cung cấp thêm đạn dược, vũ khí cho Ukraine.
Hơn nữa, bà Lili Bayer nói thêm, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu các quốc gia có thể tìm được các công ty có thể nhanh chóng sản xuất đạn chất lượng cao nhưng hiện nay ở châu Âu chỉ có một vài công ty đáp ứng đủ tiêu chí này. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của NATO.
Ngay cả ông Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng bộ binh Hoa Kỳ ở châu Âu cũng thừa nhận rằng, tất cả điều này rất phức tạp, cần có thời gian dài, cũng như đầu tư tài chính lớn, mà cuộc chiến Nga-Ukraine càng kéo dài thì càng nhiều quốc gia mất đi sự kiên nhẫn với Kiev.
Tác giả Lili Bayer kết luận rằng, thử thách đối với NATO sẽ diễn ra vào mùa hè này, khi các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia thành viên của liên minh gặp nhau tại Litva để thảo luận kế hoạch tương lai.
Nếu cuộc phản công mùa xuân của Ukraine thất bại, cục diện chiến trường nghiêng hẳn về phía Nga đó sẽ là dấu chấm hết cho các kế hoạch cung cấp mới của phương Tây cho chính quyền của ông Volodymyr Zelensky và khi đó, Kiev sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hòa bình và dĩ nhiên, đó là một thỏa thuận có lợi cho Moscow.