Phân chia tài sản

GD&TĐ - Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 21/3 chính thức đưa ra đề xuất chuyển cho Ukraine khoản lợi nhuận tương đương từ 2,73 đến 3,3 tỷ USD mỗi năm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi đồng minh của Kiev là EU lại có ý định chuyển hầu hết lợi nhuận thu được từ tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine để duy trì chiến phí.

Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 21/3 chính thức đưa ra đề xuất chuyển cho Ukraine khoản lợi nhuận tương đương từ 2,73 đến 3,3 tỷ USD mỗi năm. Đây là số tiền lãi phát sinh từ khối tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng ở châu Âu kể từ năm 2022.

Khoảng 90% khoản tiền này dự kiến sẽ được chuyển qua Quỹ Cơ sở hòa bình châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine, phần còn lại phục vụ phục hồi và kiến thiết.

Số tiền mà Ukraine nhận được hàng năm từ nguồn này sẽ không thống nhất do phụ thuộc vào lãi suất toàn cầu. Tổng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị đóng băng tại châu Âu tương đương khoảng hơn 200 tỷ USD và bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau tại 27 quốc gia EU. Do đó số tiền lãi phát sinh từ khối tài sản này thay đổi từng năm.

Ngoài ra, Ukraine cũng có thể được nhận khoản thuế 25% hàng năm mà chính phủ Bỉ đánh vào lợi nhuận hàng hóa liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga. Do đó, theo tính toán, tổng số tài chính mà Ukraine nhận được từ các nguồn này trong năm 2024 có thể lên tới 4,3 đến 4,9 tỷ USD.

Đây là khoản tài chính không nhỏ và rất quan trọng trong bối cảnh Ukraine ngày càng khó khăn do chiến tranh kéo dài và các nguồn viện trợ từ đồng minh không còn suôn sẻ như giai đoạn đầu.

Kế hoạch chi tiết về phân chia tài sản nói trên cho Ukraine đang được các nhà lãnh đạo EU bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ 21 đến 22/3. Các nước EU cũng bàn về kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí trước lo ngại cuộc chiến tại Ukraine có thể lan rộng trong tương lai.

Kế hoạch chia tài sản này được đưa ra sau khi EU chịu sức ép về việc khối 27 thành viên này cần phải “sáng tạo hơn” trong việc cung cấp thêm nguồn tài trợ cho Ukraine nếu Mỹ cắt giảm hỗ trợ.

Kể từ khi xung đột nổ ra năm 2022, Mỹ và EU cùng các đồng minh đã áp hàng chục nghìn lệnh trực phạt lên Nga nhằm làm nước này suy yếu nền kinh tế. Các nước này cũng đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, chủ yếu là tại châu Âu.

Đồng thời các nước cũng viện trợ hàng trăm tỷ USD tiền vũ khí và tài chính để giúp Ukraine đối đầu với Nga. Kết quả là sau 3 năm, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững và tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong khi Ukraine tổ chức phản công không hiệu quả dù nhận được nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây.

Với diễn biến thực tế trên chiến trường hiện nay cũng như các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Nga những năm qua cho thấy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây dường như không gây quá nhiều khó khăn cho Moscow. Trong khi đó, các nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine như Mỹ, Anh, Đức lại đang phải chịu sức ép từ trong nước vì nguồn tài trợ không phải là vô tận.

Điều này càng cho thấy thế khó của Ukraine trong việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong cuộc đối đầu với Nga. Trong khi đó, chính quyền Ukraine vẫn giữ quan điểm không đàm phán với chính quyền Nga được đứng đầu bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin, người vừa mới tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Bối cảnh này khiến ngày kết thúc cuộc chiến tranh lớn nhất trên thế giới hiện nay vẫn còn vô cùng mờ mịt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ