Sáng chế thuộc các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu, giúp cây trồng tăng đến 30% năng suất.
Khắc phục nhược điểm của phân bón truyền thống
ThS Nguyễn Thị Hà Chi, Viện Khoa học Vật liệu cho biết, với cây trồng, vai trò của phân bón là không thể phủ định nhưng các loại phân bón khác nhau có ưu, khuyết điểm khác nhau.
Nếu chỉ dùng phân hữu cơ (phân có nguồn gốc từ thiên nhiên như phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp) trong canh tác nông nghiệp sẽ tăng màu cho đất, cải thiện hệ vi sinh vật trong đất nhưng năng suất của cây tăng rất ít, sản phẩm thiếu hụt dinh dưỡng và rất dễ gây bệnh cho cây nếu không xử lý kỹ do chứa nhiều vi sinh vật có hại.
Nếu chỉ dùng phân bón vô cơ (phân có nguồn gốc từ các chất hóa học) thì có thể tăng năng suất cây trồng nhưng có nhiều hạn chế do các gốc axit có trong phân bón vô cơ làm giảm pH đất, gây bạc màu, giảm đa dạng vi sinh vật trong đất. Quan trọng nhất do lượng phân bón vô cơ dùng trong canh tác là rất lớn (~300 kg/ha) gây thất thoát tài nguyên.
Phân bón nano (phân bón được sản xuất với các thành phần dinh dưỡng dưới dạng nano) là giải pháp khắc phục, trung hòa nhược điểm của 2 loại phân bón nêu trên. ThS Nguyễn Thị Hà Chi và nhóm nghiên cứu đã thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và chế tạo thiết bị sản xuất phân bón lá hữu cơ đất hiếm bổ sung nano vi lượng”.
Lần đầu tiên, công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM hữu cơ dạng lỏng kết hợp phức chất hữu cơ đất hiếm với một số nguyên tố vi lượng dưới dạng nano đã được sản xuất thử nghiệm.
Công nghệ mới này là giải pháp hữu hiệu trong canh tác nông nghiệp hữu cơ hiện đại vừa giúp tăng năng suất, dinh dưỡng trong sản phẩm, đồng thời tăng đa dạng vi sinh vật và đặc biệt là giảm hẳn lượng phân bón góp phần bảo vệ môi trường.
ThS Hà Chi cho biết, một số nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón nano với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng được đưa ra. Hiệu quả khi bổ sung các chất dinh dưỡng trung, vi lượng dưới dạng hạt nano vào phân bón trong quá trình trồng trọt rất lớn như tăng năng suất cây 10 - 30%, chống hạn, tăng hiệu quả nảy mầm, đồng thời tăng chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp. Một số vật liệu nano còn có khả năng kháng nấm và bệnh cho cây trồng.
Phân bón hữu cơ đất hiếm và phân bón nano đã được sử dụng, đưa vào sản xuất tại nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng đang nhập khẩu các loại phân bón này. Tuy nhiên, các sản phẩm này có hàm lượng hữu cơ còn thấp, chứa cả các thành phần vô cơ khác.
Các sản phẩm phân bón hữu cơ gần như được nhập khẩu toàn bộ, khi các công ty sản xuất phân bón trong nước chủ yếu sản xuất phân vô cơ. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết là đưa ra quy trình sản xuất sản phẩm phân bón hữu cơ vi lượng dạng nano đáp ứng nhu cầu nông nghiệp hiện đại và giảm lượng phân bón cao cấp nhập khẩu.
Làm chủ công nghệ
ThS Nguyễn Thị Hà Chi và cộng sự đã hoàn thiện quy trình tổng hợp phân bón lá hữu cơ đất hiếm bổ sung vi lượng nano đồng (Cu), bạc (Ag), kẽm (Zn), canxi (Ca), molypden (Mo), bo (B), silic (Si) (Nano - REM) với quy mô 250 lít/mẻ và đưa vào sản xuất 5.025 lít phân bón lá Nano - REM.
Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công thiết bị sản xuất phân bón quy mô 250 lít/mẻ. Thiết bị có thể tích làm việc là 280 lít, gồm 2 lớp vỏ inox; lớp giữa dầu diezen dùng gia nhiệt; cánh khuấy inox 316, bộ điều khiển tốc độ khuấy và nhiệt độ tự động.
ThS Nguyễn Thị Hà Chi chia sẻ, phân bón lá Nano - REM đã được sản xuất thành công trên hệ thiết bị sản xuất phân bón do nhóm nghiên cứu chế tạo với quy trình tổng hợp phân bón lá hữu cơ đất hiếm bổ sung vi lượng nano cùng các axit hữu cơ đặc biệt (axit humic - phế phẩm của quá trình sản xuất và chế biến nông sản).
Các nguyên tố vi lượng được sử dụng đều dưới dạng nano, giúp hạn chế dư thừa phân bón do giảm thiểu tối đa lượng phân bón cần thiết mà vẫn đảm bảo cây phát triển tốt, nâng cao năng suất và cải tạo môi trường đất.
Sản phẩm đã được sử dụng thử nghiệm và chứng minh khả năng mang lại hiệu quả canh tác. Quy trình sản xuất Nano - REM đã được hoàn thiện, có độ ổn định cao, sẵn sàng cho sản xuất ở quy mô công nghiệp để chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm.