Phân biệt sưa đỏ tiền tỷ và sưa trắng có chất độc

Sưa đỏ được nhiều người săn lùng bởi giá "đắt hơn vàng", còn sưa trắng không có nhiều giá trị kinh tế và trong hạt chứa chất độc nên chuyên gia khuyến cáo cần chặt bỏ.

Vỏ của sưa đỏ thường sần sùi (bên trái), còn vỏ của sưa trắng (thàn mát) nhẵn hơn.
Vỏ của sưa đỏ thường sần sùi (bên trái), còn vỏ của sưa trắng (thàn mát) nhẵn hơn.

Tại hội thảo cách đây hơn một tuần, một số nhà khoa học đề nghị kiểm soát, loại bỏ sưa trắng, không nên trồng ở trường học hoặc công viên, vì hạt chứa chất độc dễ dẫn đến sự việc đáng tiếc như trường hợp các học sinh ở Nghệ An ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng.

Việt Nam có hai loại sưa là đỏ và trắng, đều trồng để làm bóng mát tại Hà Nội và một số nơi khác. Chúng cùng thuộc họ đậu, nhưng sưa đỏ thuộc chi trắc, tên khoa học Dalbergia tonkinensis Prain.

Đây là loại gỗ quý, ruột cây có màu nâu đỏ và đang bị săn lùng ráo riết để đóng bàn, làm trang sức và nhiều công dụng khác với mức giá cao. Loài này còn được gọi với tên là trắc thối vì hạt khi đốt lên sẽ có mùi hôi thối.

Sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại. Do bị các đối tượng săn lùng khắp nơi nên số lượng của chúng ngoài tự nhiên gần như tuyệt chủng.

Vì vậy chuyên gia lâm nghiệp cho rằng Việt Nam cần khuyến khích phong trào trồng sưa đỏ phân tán trong vườn rừng, trang trại, vườn gia đình, ven đường phố, công viên, đường làng. Bên cạnh đó cần nghiên cứu chọn và nhân giống tạo ra các loại sưa tốt nhất.

Trong khi đó sưa trắng thuộc chi thàn mát, tên khoa học Millettia ichtyochtona Drake. Nó thường sống ven suối các tỉnh vùng núi phía Bắc, được người dân dùng đánh bắt cá vì chất rotenon, sapotoxin trong hạt cây có thể làm cá say thuốc.

Vào mùa xuân cây ra hoa có màu trắng rất đẹp, nhiều người nhầm lẫn chúng là sưa đỏ vì có dạng tán lá và màu sắc gần giống nhau. Do có chất độc nên nhà khoa học kiến nghị cần thận trọng khi trồng sưa trắng làm cây bóng mát.

Phân biệt đặc điểm hình thái của sưa trắng và đỏ của ông Vũ Văn Dũng, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp.

Phân biệt đặc điểm hình thái của sưa trắng và đỏ của ông Vũ Văn Dũng, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp 
Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ