Phân biệt giới tính khi chọn nghề, chọn trường: Hệ lụy không đáng có

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại định kiến phân biệt giới tính khi chọn nghề, chọn trường trong suy nghĩ của giới trẻ, gia đình và đôi khi cả thầy cô.

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NTCC
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NTCC

Vô hình trung, định kiến này dẫn đến “lợi bất cập hại” và có thể gây ra những hệ lụy không đáng có.

Rào cản từ định kiến

Hơn 20 năm trước, bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT từng từ chối cơ hội vào thẳng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ vì quan niệm: Phụ nữ học ngành kỹ thuật không tốt như nam giới và khi ra trường không có nhiều cơ hội việc làm. Từ thực tế của bản thân và nay là lãnh đạo một công ty lớn, bà Nga nhận thấy: Không có công việc nào là của nam hay nữ. Chỉ cần các bạn yêu thích và cố gắng thì ngành nghề đó sẽ phù hợp với bạn.

Đưa ra bức tranh tổng thể về tình trạng phân biệt đối xử trong lĩnh vực việc làm và nghề nghiệp, ông Đào Ngọc Ninh - Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế - Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) – thông tin: Theo kết quả khảo sát của hãng tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa công bố, 42% doanh nghiệp chưa có chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính; 39% ứng viên nam được hỏi cho biết, một trong những lý do họ từng được nhận vào làm việc vì mình là nam giới.

Theo thống kê, cứ 5 nam giới đi xin việc thì có 2 người được nhận vào làm việc; trong khi với nữ giới, cũng với tỷ lệ này thì có 1 người bị từ chối bởi họ là phụ nữ. Bên cạnh đó, nhiều công ty khi tuyển dụng còn công khai yêu cầu về giới tính, khiến việc tiếp cận của phụ nữ đối với một số loại hình công việc bị hạn chế

Theo TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, định kiến giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp đã phần nào cản trở các bạn trẻ lựa chọn ngành nghề yêu thích, thậm chí là rào cản việc theo đuổi ước mơ của mình. Đa số bạn trẻ vẫn giữ tâm lý ngại ngùng khi chọn cho mình một nghề yêu thích nhưng lại ngược với mặc định về giới tính của ngành đó. Tâm lý e ngại đã góp phần tạo nên bất bình đẳng giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ ngày nay, ảnh hưởng đến sự tiến bộ chung của xã hội.

“Ngay từ khi học mẫu giáo, trẻ em đã phân biệt các nghề liên quan đến phụ nữ và nam giới, như thể thực sự có những “công việc của phụ nữ” và “công việc của nam giới”. Trẻ em vô tình đồng hóa các định kiến giới do những người xung quanh truyền lại; chịu ảnh hưởng của các định kiến giới về nghề nghiệp thông qua đồ chơi, với những ý tưởng rập khuôn về nam, nữ trong thị trường lao động: Nam giới gắn với nghề cơ khí, công nghệ, chính trị, trong khi nữ giới gắn với các công việc chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội, nghệ thuật. Các hình ảnh, ý tưởng này ảnh hưởng tới nhận thức và lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người”, TS Dương Kim Anh trăn trở.

Không quyết định bởi giới tính

GS.TS Trịnh Duy Luân - nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam – nhìn nhận: Định kiến giới chính là những nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực (thường là không đúng, không có cơ sở) về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Định kiến giới đang thiên về hạ thấp năng lực phụ nữ. Từ đó, ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp như cho rằng, một số nghề nghiệp chỉ hợp với nam giới, trong khi một số nghề giản đơn hơn, chủ yếu là nghề dịch vụ thì mặc định hợp với nữ giới. Điều đáng nói, hầu hết các nghề này do tính chất công việc giản đơn nên mức thu nhập của nữ giới cũng thấp hơn nhiều so với nam giới.

Làm gì để giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp? GS.TS Trịnh Duy Luân đặt vấn đề, đồng thời cho rằng: Cái gì là tác nhân gây ra, hãy tác động vào đó; theo từng yếu tố, tổng hợp, hợp lực và cộng lực...

Ở cấp độ cá nhân, trước mắt cần hiểu bản chất của định kiến giới, trong các yếu tố chủ thể, khách thể và nhận ra định kiến trong mình. Đồng thời, nâng cao bản lĩnh, chủ động và dũng cảm vượt qua định kiến (nếu có) khi các định kiến giới mâu thuẫn với khát vọng, đam mê của mình để có lựa chọn hợp lý… Đặc biệt, cần từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi các khuôn mẫu văn hóa và diện mạo xã hội.

Cho rằng, xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp là cần thiết, TS Dương Kim Anh nhấn mạnh, điều này không chỉ giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, mà còn góp phần đạt được bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau (lao động việc làm, thu nhập, lãnh đạo quản lý và tham chính).

“Với học sinh, sinh viên, khi lựa chọn nghề nghiệp không phải là câu hỏi “Giới tính của mình có phù hợp hay không?”, mà là câu hỏi “Mình đã tìm hiểu và thực sự yêu thích, có khả năng làm ngành nghề đó hay không?”. Bằng đam mê và mong muốn của bản thân, các em sẽ chứng minh được rằng, không có bất cứ ngành nghề nào được quyết định bởi giới tính, chỉ cần có đam mê và dốc lòng theo đuổi thì thành công sẽ đến” - TS Dương Kim Anh nhắn nhủ.

Bà Nguyễn Việt Nga khuyến nghị: Các em nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân và bảo đảm có đủ các điều kiện để có thể theo học nghề mà mình chọn. Các em không nên chạy theo những công việc thời thượng bởi nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng… Cùng với đó, cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình theo đuổi và tham khảo thêm ý kiến của người khác để tìm ra hướng đi của riêng mình.

“Định kiến giới về nghề nghiệp không chỉ khiến việc đạt được bình đẳng kinh tế giữa phụ nữ và nam giới trở nên khó khăn hơn, gây ra những hậu quả lớn đối với sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, mà còn ngăn cản những người trẻ tuổi hình dung ra mình ở một công việc có liên quan đến giới tính khác, ngay cả khi công việc đó hoàn toàn phù hợp với sở thích cá nhân của họ”. - TS Dương Kim Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ