Phân biệt giàu - nghèo qua lớp tiếng Anh

GD&TĐ - Học ngoại ngữ sớm được cho là tốt đối với trẻ. Nhưng việc cha mẹ cố nhét con vào các lớp tiếng Anh, lớp chuyên ngữ đặc biệt từ nhỏ chưa hẳn là tốt.

Cha mẹ cố nhồi nhét con vào các lớp tiếng Anh quá sớm chưa hẳn đã tốt cho con. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cố nhồi nhét con vào các lớp tiếng Anh quá sớm chưa hẳn đã tốt cho con. Ảnh minh họa.

“Nhồi” con vào lớp VIP

Ngày nay, trẻ được đầu tư học ngoại ngữ từ rất sớm. Nhiều gia đình, con chưa nói thạo tiếng Việt đã được học thêm tiếng Anh. Họ cho rằng, nếu trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh ở những năm đầu đời và có sự cân bằng giữa các ngôn ngữ thì trẻ sẽ có nhiều lợi thế trong việc học ngoại ngữ. Theo đó, trẻ sẽ có giọng tiếng Anh tốt hơn, có thời gian thực hành nhiều hơn…

Tuy vậy, việc học tiếng Anh sớm còn kéo theo cả những mong muốn được “nhét” con vào lớp chọn, lớp ngoại ngữ ở trường. Chính những điều này khiến trẻ có sự phân biệt so với bạn bè.

Khác biệt giàu nghèo trong xã hội là điều không tránh khỏi. Nhưng sự khác biệt ấy, chẳng cần cách xa lắm về địa lý hay hoàn cảnh. Sự chênh lệch giàu nghèo có khi nằm ngay trong một ngôi trường, chỉ khác một chút là việc đóng phí cho những hạ tầng khác nhau nên mới sinh ra những lớp học sinh giàu, lớp học sinh bình thường.

Chuyên gia Nguyễn Hoài Linh – giảng viên tâm lý Học viện Thanh Thiếu niên - cho rằng: Chúng ta quy định học sinh mặc đồng phục để không phân biệt giàu nghèo. Điều này cũng là để trẻ con dù gia đình có điều kiện hay không, dù bên ngoài xã hội ăn mặc rất đắt tiền nhưng khi bước vào môi trường giáo dục thì bình đẳng như nhau.

Kể cả việc cho các em ăn chung bữa trưa cũng nhằm đảm bảo sự công bằng đối với tất cả học sinh. Vì vậy, trong một ngôi trường, có sự phân biệt giữa lớp nhiều tiền và lớp ít tiền, lớp ngoại ngữ và lớp “thường” là điều không nên.

Cô Linh cũng nhận định, số tiền phụ huynh có điều kiện nộp cho trường để con mình được thêm tiện nghi, có khi chênh hàng triệu đồng mỗi tháng so với một học sinh lớp thường, làm mơ hồ nảy sinh cái gọi là phân biệt đẳng cấp trong lòng những đứa trẻ. Điều này có thể gặp ở mọi trường tư.

Trường càng hào nhoáng, mức thu càng cao, và để có nhiều học sinh, thì không thể chỉ nhận những học sinh mà gia đình sẵn sàng nộp phí cao, phải có những gia đình bình thường khác nữa.

Nếu học sinh ở các cấp học cao hơn, việc phân biệt lớp học ngoại ngữ để các em có những lựa chọn cho hướng đi cho mình. Có nghĩa nếu được vào học các lớp này, các em sẽ tập trung nhiều hơn cho con đường đã vạch ra phía trước. Thế nhưng, phân biệt các lớp ở cấp học mẫu giáo thì quá sớm và không tốt cho nhiều trẻ.

“Tôi từng chứng kiến sự phân biệt khoảng cách từ các lớp học này không chỉ ở học sinh, mà còn cả cha mẹ các em. Nhiều phụ huynh nhìn thấy các bạn được học lớp “tốt”, chất lượng, học phí cao và cảm thấy mình không lo đủ đầy, để con thua thiệt so với bạn bè. Có người còn tự ti, ngại giao tiếp với chính những phụ huynh ở các lớp học đặc biệt này”, cô Linh chia sẻ.

Nguyễn Hà Vy – học sinh ở Hà Nội - cho biết: “Ngoài những buổi học phải mặc đồng phục, chúng em được mặc trang phục tự chọn. Nhiều bạn con nhà giàu có nhiều quần áo rất đẹp và đắt tiền. Kể cả cặp sách, đồ dùng cũng đều là loại tốt nhất.

Có bạn từ bé đến lớn đi học toàn được dùng đồ xách tay ở nước ngoài về. Hầu hết những bạn này đều ở lớp có mức học phí cao như lớp song ngữ, lớp tiếng Anh”.

Trẻ phân biệt, người lớn tự ti

Trẻ dễ nhận ra sự giàu – nghèo theo suy nghĩ của từng độ tuổi. Với trẻ ở mầm non, giàu, nghèo đơn giản chỉ là bạn có nhiều đồ hơn mình. Thậm chí là bạn nhiều quần áo đẹp hơn cũng được coi là giàu hơn.

Lớn hơn, học sinh cấp THPT còn dễ dàng nhận dạng giàu nghèo qua các thiết bị “tốn kém” hơn như điện thoại, phương tiện đi lại. Nhưng, trẻ dễ xa cách hơn khi có những lớp vốn dĩ tên gọi đã thể hiện sự khác biệt.

Hiện, rất nhiều trường mầm non xây dựng lớp thường và lớp học tiếng Anh. Giữa các lớp học này, trẻ có sự khác nhau lớn nhất về chi phí học tập. Thông thường, lớp tiếng Anh sẽ đóng học phí cao hơn nhiều, giờ học ngoại ngữ cũng nhiều hơn và một số chính sách ưu đãi hơn. Vì vậy, trẻ đi học cũng tự có sự phân biệt với nhau.

Ví dụ, trong một trường mầm non, lớp học tiếng Anh sẽ có ít học sinh hơn, được học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài, được đi dã ngoại hàng tháng… Theo đó, chi phí học tập gấp đôi so với lớp thường khác.

“Bất lợi lớn nhất chính là tạo ra các tầng đẳng cấp trong một trường. Điều này khiến cho học sinh cũng tự phân biệt giàu nghèo với nhau. Có những em nhạy cảm không được học trong điều kiện như các bạn khác sẽ cảm thấy tự ti. Còn những em được học sẽ có thể dẫn đến coi thường các bạn khác” – cô giáo Trần Ngọc Mai (Trường THPT Bảo Thắng, Lào Cai) chia sẻ.

Cô Mai cho biết thêm, một số nơi, phụ huynh còn mong muốn góp tiền để con có những chế độ đặc biệt hơn. Con được giao tiếp với người nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài về dạy hoặc hướng dẫn trong các buổi ngoại khóa… Thậm chí, cha mẹ các em còn thiết tha được trang bị cơ sở vật chất tốt cho lớp của con.

Tuy nhiên, không có nhà trường nào dễ dàng đáp ứng và đồng ý để điều đó xảy ra. Đơn giản là vì sẽ gây ra sự mất công bằng ngay trong môi trường giáo dục. Học sinh sẽ không thể hiểu vì sao lớp này có máy điều hòa mát rượi mà lớp kia thì nóng bức… Trừ khi cha mẹ các em đóng góp để tất cả học sinh trong trường được hưởng thụ lợi ích như nhau, như trồng cây xanh, lát gạch sân trường, xây khuôn viên…

“Từ suy nghĩ của những người đóng nhiều tiền tự cho mình cái quyền của khách hàng mà đặt ra yêu cầu cho giáo dục sẽ dẫn đến suy nghĩ của trẻ em, so sánh, coi thường. Thậm chí là cả thiếu tôn trọng mọi người. Như vậy, lớp tiếng Anh, tiếng Pháp… khi con còn quá nhỏ cũng khiến thầy cô gặp nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ các em”, cô Mai nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.