Phân biệt cúm gia cầm và cảm lạnh

Cảm lạnh và cúm đều có những biểu hiện khá giống nhau như: hắt hơi, ho, đau họng, sốt... nhưng người bị cúm có diễn tiến nhanh hơn và biến chứng nguy hiểm hơn nhiều.

Thói quen giết mổ gia cầm sống có thể khiến cho dịch cúm gia cầm lây lan
Thói quen giết mổ gia cầm sống có thể khiến cho dịch cúm gia cầm lây lan

Triệu chứng

Cảm lạnh (còn được gọi là cảm, viêm mũi họng, sổ mũi cấp) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên nhưng chủ yếu ảnh hưởng mũi.

Bệnh cảm lạnh do các virus đường hô hấp gây nên thường có các dấu hiệu như ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau đầu, đau nhức cơ thể, mất cảm giác ngon miệng và sốt.

Với cảm lạnh, dấu hiệu đầu tiên thường là đau họng, có thể biến mất sau 1-2 ngày. Sau đó là các biểu hiện ở mũi như: chảy nước mũi, tắc mũi, cộng với ho vào ngày thứ tư và thứ năm của bệnh.

Người lớn thường không bị sốt nhưng trẻ nhỏ thì có thể bị sốt nhẹ. Trong vài ngày đầu, bạn sẽ thấy chảy nước mũi trong nhiều, sau đó thì nước mũi đặc lại. Nếu bệnh không cải thiện sau một tuần, thì có thể là nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, khi đó bạn cần uống thuốc kháng sinh.

Trong khi đó, những biểu hiện của bệnh cảm cúm thông thường (do thời tiết) nặng hơn cảm lạnh và diễn tiến nhanh. Biểu hiện gồm: đau họng, sốt, đau đầu, đau nhức và mỏi cơ, ho...

Riêng với bệnh cúm gia cầm, virus lây truyền qua thịt, ruột của chúng, qua không khí, chất thải, phân và có thể gây nhiễm cho thức ăn, nước, dụng cụ vận chuyển, dụng cụ giết mổ, chế biến thực phẩm và quần áo.

Khi lây sang người, ngoài các triệu chứng tương tự như bệnh cảm lạnh, các triệu chứng về viêm và suy hô hấp rất rõ rệt. Bệnh diễn biến nhanh như ho khan, khó thở, khò khè, thở gấp, môi tái, sốt liên tục trên 38 độ C hoặc sốt cao đột ngột, một số trường hợp rét run, mặt đỏ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Biến chứng

Cảm lạnh có thể gây biến chứng nặng thành viêm phổi ở người già yếu và trẻ nhỏ hoặc những người bị ức chế miễn dịch. Với phụ nữ mang thai, nó có thể gây biến chứng viêm phổi hoặc sảy thai. Nhiễm trùng thứ phát có thể dẫn đến viêm xoang, viêm họng hoặc viêm tai.

Trong khi đó, bệnh cúm gia cầm có thể gây biến chứng viêm phổi cấp tính, nguy cơ tử vong rất cao nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Khởi đầu của bệnh như cúm thường, rồi xuất hiện hội chứng suy hô hấp do phù phổi cấp tính gây tử vong do thiếu oxy máu không khắc phục được.

Phòng ngừa

Khi xuất hiện triệu chứng dù nghi là cảm cúm hay cảm lạnh đều cần đến cơ sở y tế để khám bệnh, nếu bệnh xảy ra ở người có tiếp xúc với gia cầm với bất kỳ hoàn cảnh nào (chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh…) cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Đề phòng cúm gia cầm, người dân chỉ nên mua bán những loại gia cầm đã kiểm dịch an toàn, rõ nguồn gốc; ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ khi tiếp xúc gia cầm, tuyệt đối không được giết, mổ, ăn, đem cho, đem bán gia cầm chết.

Hạn chế tiếp xúc, thăm nuôi, ăn uống với người bệnh. Cần tiệt trùng các vật dụng gia đình như chăn, màn, giường chiếu, áo quần của người bệnh vừa sử dụng.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.