Phải sử dụng loại bút chấm đọc có nguồn gốc rõ ràng

Phải sử dụng loại bút chấm đọc có nguồn gốc rõ ràng

(GD&TĐ) - Việc sử dụng bút chấm đọc trong nhà trường ở nước ta đã có nhiều địa phương sử dụng. Tuy nhiên, người tiêu dùng lo ngại trên thị trường có nhiều loại bút của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Tìm hiểu vấn đề này, phóng vên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ 2020.

PV: Xin ông cho biết thực trạng sử dụng bút chấm đọc ở nước ta hiện nay?

TS. Nguyễn Ngọc Hùng: Ở TP.HCM, việc sử dụng bút chấm đọc trong công tác dạy học tiếng Anh tại nhà trường đã được khoảng 10 năm nay. Ngày 6/9/2011 bắt đầu triển khai chương trình của Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thì Cục cơ sở vật chất - Thiết bị nhà trường đã có văn bản hướng dẫn về việc mua sắm các trang thiết bị tối thiểu cho cấp tiểu học, đặc biệt là ngoại ngữ.

Theo đó, bút hỗ trợ chấm đọc là 1 trong danh mục 14 trang thiết bị cần thiết tối thiểu. Nơi nào có đài cassette rồi có thể thôi vì xem xét điều kiện kinh tế của từng địa phương. Tháng 3 vừa qua, trong thông báo số 179 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về chỉ đạo dạy tiếng Anh thí điểm trong hệ thống giáo dục phổ thông, tại điểm 3 về SGK và thiết bị dạy học tiếng Anh có nêu rõ NXBGD Việt Nam in SGK có phụ mã mở với các thiết bị phụ trợ để các đơn vị cùng khai thác. Các đơn vị tham gia số hóa thiết bị tài liệu phải có thiết bị nhận dạng sản xuất, sản phẩm phải đọc được 64.000 mã trên SGK”.                                      

PV: Năm học này NXBGD mã hóa SGK Tiểu học như thế nào, xin ông cho biết?

TS. Nguyễn Ngọc Hùng: Do hiện nay chưa có một bộ mã mở để bút đọc của các đơn vị tham gia đọc chung, nếu dùng mã của đơn vị này thì đơn vị khác không thể tham gia nên NXBGD Việt Nam chưa mã hóa tất cả các sách vì năng lực cung ứng và khả năng phục vụ của các doanh nghiệp tới địa phương còn hữu hạn.

Theo báo cáo của NXBGD thì năm học này đã phủ mã code SGK Tiếng Anh lớp 3 để sử dụng cho 5 loại bút đọc (khoảng 130.000 cuốn) và lớp 4 cho 1 loại bút đọc (khoảng 20.000 cuốn). Việc mã hoá SGK tiếng Anh cho nhiều loại bút khác nhau sẽ có tác dụng tránh độc quyền, nhằm đưa đến người sử dụng nhiều sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh và có chất lượng.

PV: Việc mã hóa không làm tăng giá thành sách giúp cho tất cả các bút của VN và TQ đều đọc được, tại sao Bộ GD-ĐT không chỉ đạo NXBGDVN mã hóa các sách?

TS. Nguyễn Ngọc Hùng: Đúng là việc mã hóa không làm tăng giá sách. Các đơn vị cung ứng bút đọc không phân phối sách giáo khoa. Sách giáo khoa do NXBGD Việt Nam trực tiếp phân phối tới các địa phương theo đúng giá bìa. Như trên đã nêu rõ, hiện nay chưa có một bộ mã mở dùng chung cho các loại bút đọc khác nhau, vì năng lực cung ứng và khả năng phục vụ của các doanh nghiệp tới địa phương còn hữu hạn nên NXBGD Việt Nam chỉ mã hóa số lượng sách theo nhu cầu của các doanh nghiệp hoặc của các sở GD-ĐT.

PV: Vậy Bộ GD-ĐT đã đánh giá như thế nào về chất lượng các loại bút chấm đọc hiện nay?

TS. Nguyễn Ngọc Hùng: Bút chấm đọc đã được các doanh nghiệp Việt Nam nhập về và sử dụng gần 10 năm nay cho nhiều loại sách giáo khoa tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Đơn vị NXBGD chỉ tổ chức thẩm định các kênh audio dữ liệu liên quan đến các SGK tiếng Anh của NXBGD đối với các thiết bị bút đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và chỉ giới thiệu các sản phẩm có kênh audio dữ liệu đạt chuẩn tối thiểu của Hội đồng thẩm định: chất lượng âm thanh, chất lượng giọng đọc các vai trong các hội thoại, phát âm theo chuẩn tiếng Anh – Anh, bám sát yêu cầu của các bài, trong SGK, độ chính xác của vị trí ký hiệu mã trên sách. Năm đơn vị có kênh audio dữ liệu đạt các tiêu chuẩn trên và NXBGDVN đã có biên bản nghiệm thu của Hội đồng thẩm định và được giới thiệu cho người sử dụng.

PV: Xin ông cho biết trong thời gian tới, kế hoạch mã hóa sách tiếng Anh cấp Tiểu học sẽ được tiến hành như thế nào?

TS. Nguyễn Ngọc Hùng: Trước mắt, các nhà cung cấp sản phẩm bút đọc và các đơn vị, địa phương sử dụng sách và bút cần phối hợp chặt chẽ với nhau và có yêu cầu cụ thể để NXBGD tư vấn và hỗ trợ phù hợp đầu đọc mã khác nhau và kênh audio cũng khác nhau.

Hiện NXBGD đang phối hợp với Đề án Ngoại ngữ xây dựng hoặc lựa chọn đưa vào áp dụng một mã code “mở” và một kênh audio dữ liệu chuẩn để các loại bút đọc, kể cả thiết bị do giáo viên, sinh viên tự tạo, cải tiến từ điện thoại di động, máy nghe MP3 cũng có thể dùng được. Việc chọn dùng mã code nào thì còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Trước mắt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo Nhà xuất bản NXBGD Việt Nam chỉ giới thiệu sản phẩm bút chấm đọc hỗ trợ dạy tiếng Anh tiểu học của Viện Vật lí - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Các địa phương muốn đưa thiết bị vào phải tổ chức đấu thầu và làm rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Quỳnh Anh (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ