Lấp khoảng trống tuyển dụng
“Nếu yêu cầu ngành GD-ĐT không hợp đồng giáo viên (GV) thì trong thời gian gối đầu giữa hai kỳ thi tuyển viên chức sẽ bị hoặc là thiếu GV trong thời gian gối đầu giữa hai kỳ thi tuyển viên chức hoặc là phải tổ chức nhiều đợt thi tuyển viên chức trong một năm rất tốn kém và lãng phí” - ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng khẳng định.
Theo như phân tích của Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì không như một số ngành khác, đội ngũ của ngành Giáo dục rất đông và thời gian nghỉ hưu không phải theo định kỳ mà rải đều trong cả năm học. Dù như ở Đà Nẵng, trong mọi tính toán như Sở GD&ĐT Đà Nẵng tính chỉ tiêu biên chế cho đến hết tháng 12 thì những GV nghỉ hưu từ tháng 12 cho đến hết năm học sẽ là đoạn “hở” ra.
Nếu không tính đến phương án sử dụng GV hợp đồng thì buộc phải bố trí dạy tăng, dạy thay dẫn đến GV phải đảm nhận số lượng tiết quá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, chưa kể đến tình huống GV có quyền từ chối dạy tăng, dạy thay. “Chưa kể là ngành GD và Nội vụ có thể tính toán được số cán bộ, GV nghỉ hưu trong một năm để cân đối trong chỉ tiêu tuyển dụng nhưng chúng ta cũng không thể lường hết được số GV xin nghỉ dạy vì các lý do khác như đoàn tụ gia đình, mở các trung tâm hoạt động giáo dục hay làm kinh tế gia đình…” - ông Vĩnh ví dụ.
Chính vì vậy, theo như ông Nguyễn Đình Vĩnh, sử dụng GV hợp đồng là một trong hai phương án để ngành GD-ĐT chủ động trong bố trí
giảng dạy để đảm bảo không thiếu GV hoặc GV phải dạy tăng, dạy thay quá nhiều. “Từ thực tiễn của ngành GD-ĐT thì không thể bỏ hẳn GV hợp đồng, vấn đề là phải đảm bảo cân đối giữa chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên nghỉ việc (kể cả đến tuổi về hưu và xin nghỉ) cũng như số lượng giáo viên hợp đồng.
Đảm bảo quyền lợi cho GV hợp đồng
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, khi tiến hành ký kết hợp đồng với GV, về nguyên tắc, trong bản hợp đồng phải ghi rõ thời gian bắt đầu và chấm dứt hợp đồng. “Như ở Đà Nẵng, ngành GD-ĐT chỉ hợp đồng trong năm học và khi kết thúc hợp đồng thì Sở GD&ĐT thu chỉ tiêu hợp đồng đó để đưa chỉ tiêu đó vào kỳ thi tuyển viên chức của năm sau. GV được hợp đồng cũng hiểu là hết năm học đó thì hợp đồng không có giá trị và phải tham dự kỳ thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT như các thí sinh khác chứ không thể nói rằng một năm qua tôi đã cống hiến đến khi hết năm học thì lại bị bỏ bê là không sòng phẳng với bản hợp đồng đã ký” - ông Vĩnh phân tích.
Ông Vĩnh cho biết, Sở và Phòng GD&ĐT mặc nhiên hiểu rằng, những GV đã từng dạy hợp đồng sẽ có lợi thế là đã có kinh nghiệm đứng lớp cũng như am hiểu các tổ chức hoạt động của nhà trường. “Hơn nữa, như ở Đà Nẵng, toàn bộ thời gian dạy hợp đồng của GV, ví dụ như GV dạy từ 1 - 3 năm hợp đồng thì cũng đều được tính vào thời gian giảng dạy nếu đỗ trong kỳ thi tuyển dụng viên chức. Nếu đến năm thứ 4 của thời gian dạy hợp đồng, nếu GV trúng tuyển thì đồng thời cũng được nâng lương lên một bậc mới chứ không phải ăn lương khởi điểm”.
“Vướng mắc nhất với các trường hợp GV hợp đồng thời gian qua ở một số địa phương nằm ở chỗ do không xác định được thời gian bắt đầu hợp đồng và kết thúc hợp đồng, tạo ra tâm lý bị động cho người lao động và cả đơn vị sử dụng lao động hợp đồng” - ông Nguyễn Đình Vĩnh nhận định - “Một khi mọi thông tin được công khai, minh bạch, GV hợp đồng có được tâm thế chủ động và được đảm bảo quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các khoản phúc lợi như lương thưởng thì sẽ không thể có điểm nóng từ việc chấm dứt sử dụng lao động đối với GV hợp đồng”.