Phải làm sao khi con 3 tuổi bướng bỉnh, bạo lực?

GD&TĐ - Hỏi: Con trai tôi hiện đã được 33 tháng tuổi. Bé rất năng động, thích chơi bạo lực như cầm cây đập cửa. Khi không vừa lòng điều gì, bé thường đánh vào người mẹ, cắn mẹ, đập cửa hoặc ném đồ lung tung. Ba mẹ đã cố gắng nói, giải thích cho bé nhưng không hiệu quả. Xin hỏi những lúc bé nóng giận như vậy, ba mẹ nên làm gì để bé không hung dữ nữa ạ. Cảm ơn chuyên gia.

Ảnh:scarymommy.com
Ảnh:scarymommy.com

Trả lời:

Theo thông tin ban đầu chị chia sẻ thì con trai chị năm nay gần 3 tuổi, bé năng động và chơi khá bạo lực… Đặc biệt, bé dễ nổi nóng và các can thiệp của gia đình không hiệu quả.

Để hiểu rõ về tình trạng của bé, chúng tôi cần nhiều thông tin hơn. Chẳng hạn, ngoài các dấu hiệu như quá năng động, đập cửa, nổi nóng và tấn công người khác khi không vừa ý thì bé còn vấn đề nào liên quan đến sự ương bướng, thích làm trái ý người khác, thích độc lập hay không?

Gia đình cũng nên quan sát xem bé có thể tập trung vào một trò chơi hay hoạt động cụ thể nào khoảng 5 phút trở lên hay không? Và một thông tin khá quan trọng nữa là: thời gian diễn ra các dấu hiệu này được bao lâu rồi? Bé chỉ tấn công ba mẹ hay tấn công ai khác nữa?

Tuy nhiên, tạm thời, chúng tôi có thể khoanh vùng vấn đề của bé ở ba trường hợp: 

- Bé có những dấu hiệu của “khủng hoảng tuổi lên 3”.

- Bé có những dấu hiệu sớm của chứng “Tăng động giảm chú ý - ADHD”.

- Cũng không loại trừ khả năng bé bắt chước, học theo cha mẹ hay bạn bè, thầy cô ở trường mầm non những hành vi bốc đồng, gây hấn đó. Bởi hành vi bốc đồng thường rất dễ gây ấn tượng mạnh cho trẻ, từ đó khiến trẻ học theo.

Nếu bé rơi vào trường hợp khủng hoảng tuổi lên 3 hay chỉ là học theo người lớn thì gia đình cần tìm hiểu kĩ hơn sự phát triển tâm lý của trẻ ở tuổi này để biết cách ứng xử, giáo dục. Bản thân ba mẹ phải làm gương tốt, không nộ nạt, trách phạt con vô lý, thiếu giải thích lý do…

Bởi những hành động đó chỉ làm vấn đề của trẻ trầm trọng hơn hoặc gây tổn thương cho trẻ khi chúng còn quá nhỏ - chưa nhận thức đầy đủ về hành vi mình làm cũng như hậu quả của các hành vi đó.

Nếu gia đình tìm hiểu và phát hiện sớm con có các dấu hiệu của chứng ADHD, thì nên mang con đến thăm khám ở các cơ sở chuyên môn như phòng khám tâm lý, khoa Tâm lý các bệnh viện Nhi để tìm ra câu trả lời, cũng như nhận được hướng dẫn giải quyết vấn đề.

Chúng tôi mong nhận được phản hồi cụ thể hơn từ chị và gia đình để có những tư vấn xác đáng hơn.

Chúc gia đình chị nhiều sức khỏe!

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ