Hỏi:
Chồng em ra ngoài có quan hệ với một cô gái và đã có con ngoài ý muốn. Khi mang thai cô này đã đi nơi khác và khi cái thai to cô ấy về bắt chồng tôi bồi dưỡng để đẻ. Khi sinh con ra, cô ấy mang đứa trẻ ra để dọa nạt, đánh đập cho bé khóc để chồng tôi xót con. Vậy theo luật sư, cô này có quyền nuôi đứa trẻ đó không?
Do Kim Thoa (dokimthoa396@gmail.com)
“Bồ nhí đánh con để gây áp lực với chồng tôi, tính sao?” (Ảnh minh họa). |
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Theo khoản 1 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực 1-1-2015), con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình.
Tại Điều 69 Luật này cũng quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền: Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình và giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
Như vậy, mặc nhiên mẹ đứa trẻ có quyền và có nghĩa vụ nuôi dưỡng trẻ. Tuy nhiên, theo Điều 86, 87 Luật trên nếu người mẹ có những hành vi ngược đãi con mình thì cha, người giám hộ của con chưa thành niên theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc hạn chế quyền của người mẹ đối với con chưa thành niên. Nếu tòa án hạn chế quyền của người mẹ thì người cha thực hiện quyền chăm nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.
Trường hợp cha cháu bé muốn yêu cầu tòa án giải quyết việc này thì trước hết ông ấy phải làm thủ tục nhận con. Thủ tục này có thể tốn thời gian nên trước mắt người cha có thể yêu cầu những cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây: Người thân thích của cháu bé; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ can thiệp giúp đưa vụ việc mẹ bé có hành vi ngược đãi con ra tòa án giải quyết.
Còn việc mẹ cháu bé có được nuôi cháu bé hay không sẽ do tòa án quyết định.