Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 của đoàn giám sát Quốc hội cho biết, đoàn đã làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố đại diện cho cả 3 miền, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, của UBND 63 tỉnh, thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP; báo cáo giám sát của 42 đoàn đại biểu Quốc hội, các tài liệu có liên quan và kết quả giám sát thực tế, đoàn đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết hoạt động giám sát về ATTP.
Đoàn giám sát đánh giá: Hệ thống văn bản chính sách pháp luật về ATTP thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời; từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý về ATTP; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đã được ban hành với một khối lượng khá lớn.
“Trong giai đoạn 2011-2016, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng ban hành được một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng các văn bản về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, hình thành một hệ thống văn bản tương đối toàn diện, đầy đủ, đã tạo nên hành lang pháp lý khá thuận lợi cho công tác quản lý ATTP”.
Báo cáo cũng khẳng định, việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND các cấp về ATTP đã được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước về ATTP. Hệ thống tổ chức quản lý, nhân lực, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý ATTP từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương.
Nhận thức một cách sâu sắc về vai trò vị trí hết sức quan trọng của công tác bảo đảm ATTP đối với phát triển kinh tế-xã hội, đối với sức khỏe người dân hiện tại và trí tuệ, thể lực trong tương lai, đoàn giám sát đề xuất một số kiến nghị và giải pháp chủ yếu:
Cần sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự,… để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ.
Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển các mô hình chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng sản xuất quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó nhân rộng ra cả nước.
Hoàn thiện chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, SXKD thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn; phát triển mạnh công nghệ chế biến nông sản theo hướng gia tăng giá trị, sản xuất quy mô lớn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, chợ dân sinh để bảo đảm hạ tầng cho SXKD thực phẩm an toàn.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo đảm ATTP. Củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP theo hướng tập trung, sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở cho công tác quản lý ATTP dựa trên bằng chứng. Hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP; xử lý chủ động, nhanh chóng các sự cố khẩn cấp về ATTP.
Hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các tổ chức kỹ thuật về ATTP và các đơn vị, địa phương khác trong chia sẻ thông tin và xử lý các vấn đề về ATTP. Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP.
Kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra tiêu thụ thị trường; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm.
Xây dựng lộ trình xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực quản lý ATTP; làm tốt việc tổ chức đánh giá, công nhận các cơ sở thực hiện xã hội hóa quản lý ATTP.
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… trong công tác vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát ATTP.
Bảo đảm cấp đủ ngân sách Nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP; cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP.
Thảo luận về vấn đề này, các thành viên UBTVQH đánh giá cáo những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của công tác này, nhất là hạn chế về bộ máy quản lý ATTP còn một số bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; lực lượng cán bộ chuyên trách về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP còn yếu và thiếu về chuyên môn; việc đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế;…
“ATTP là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội với mức độ lo ngại ngày càng nhiều khi có nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra. Nếu không chú ý đến vấn đề này, uy tín và hàng hóa của chúng ta sẽ đứng trước rất nhiều rủi ro và áp lực trước yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của người dân trong vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP, bởi đã xảy ra tình trạng “người dân trồng rau, luống này để ăn, luống này để bán, đây là cố ý vi phạm, chứ đâu phải là nhận thức chưa tới”.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: “Làm sao phải hạn chế tối đa được tình trạng, tư tưởng phải làm rau hai luống, lợn hai chuồng, một để ăn, một để bán”.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH đánh giá việc lựa chọn về vấn đề giám sát ATTP rất là trúng. Từ khi có Nghị quyết giám sát của Quốc hội về vệ sinh ATTP thì vấn đề này có nhiều chuyển biến, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được nâng cao. Phương thức tiến hành của đoàn giám sát là khoa học, bám sát mục tiêu, kế hoạch, bảo đảm tiến độ.
UBTVQH cũng đánh giá cao sự đóng góp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tích cực với trong hoạt giám sát của đoàn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần khẳng định vấn đề mất ATTP là nguy cơ và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong nhiều năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đã đạt được những thành tựu to lớn, tích cực, tuy nhiên cũng cần phải thấy rõ được những khó khăn, thách thức, vì vậy đoàn giám sát cần đưa ra những nhận định, đánh giá, nguyên nhân, trách nhiệm thật sự rõ ràng; làm nổi bật được những ưu điểm, những tồn tại và nguyên nhân chính, để từ đó tập trung khắc phục, đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
“Đoàn giám sát cần phải tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của UBTVQH để hoàn chỉnh báo cáo giám sát, bảo đảm khoa học hơn, chặt chẽ hơn, khả thi hơn và mang tính thực tiễn hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.