Chạy đua mua sắm thiết bị
Bốn giờ sáng, một đoàn tàu đánh cá bằng pha xúc từ biển khơi vào mũi Khải Lương, Khánh Hòa bán cá. Chúng tôi nhanh chóng tiếp cận để xem cho được dàn đèn pha xúc. Hóa ra, nó giống như cả một hệ thống đèn pha di động trên biển.
Anh Nguyễn Duy Long, thuyền trưởng tàu mang số hiệu PY 7123, thường trú ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Vùng biển Tuy An tàu đánh bắt bằng pha xúc phát triển nhiều, chúng tôi muốn có ăn phải vào vùng biển này đánh bắt. Nếu tiến sâu xuống phía Nam sẽ gặp các “đại gia pha xúc” ở Bóng, Bãi Dong (cầu Bóng và đảo Trí Nguyên - thành phố Nha Trang)”.
Thấy chúng tôi to mắt chưa hiểu cụm từ “đại gia pha xúc” là như thế nào, anh Long giải thích tiếp: “Làm nghề này, ai muốn giàu to thì phải đầu tư mua sắm tàu lớn. Lúc đầu, dân pha xúc chỉ đóng tàu cỡ 3 lốc (30 mã lực - CV), đèn pha dưới 1.000 oát (W). Bây giờ, họ đua nhau phát triển “chơi” tàu từ 6 - 14 lốc, đèn pha lên đến 5.000 - 8.000 oát/pha, kèm theo máy định vị, máy dò cá...
Không ai chịu lép vế về mặt mua sắm thiết bị, vì lép vế đồng nghĩa tự mình hại mình. Từ đó đã dấy lên một “cuộc chạy đua vũ trang” trên biển ghê gớm. Tui tính cho các bạn dễ hình dung nhé: Giai đoạn đầu giá một pha xúc trị giá 5 cây vàng, nhưng mua rất khó, phải đặt hàng từ nước ngoài đưa về.
Hiện nay, loại đèn pha xúc bán nhiều nên nó tụt xuống còn 2 - 3 cây vàng/pha. Mỗi tàu cá cần trang bị từ 8 - 10 pha. Tàu nào “bạo chơi” gắn 15 pha chủ lực. Như vậy, tổng sức ánh sáng từ các pha xúc rọi trực tiếp xuống biển vào một đêm là từ 40.000 - 90.000 oát”.
Hủy diệt trên biển
Với sức mạnh ánh sáng của pha xúc nó có thể rọi sâu xuống 25 mét nước biển. Trong phạm vi này, hầu như không có con cá nào chịu nổi trước sức công phá của đèn pha. “Chỉ cần ba pha bật sáng để trên ca bin tàu, lưới bỏ dưới boong tàu chưa đầy 2 phút nó đã bốc cháy. Huống hồ mắt con cá, con tôm bị rọi trực tiếp vào thì 100% nó bị nổ mắt, nhẹ cũng bị xuất huyết mắt. Có như vậy, miếng lưới của tàu pha xúc có trọng lượng chỉ 20 kg, nhưng nó xúc được hàng tấn cá chỉ trong một đêm”, một ngư dân trên tàu có vẻ am tường, nói.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cảnh báo: “Với kiểu đánh bắt thủy sản bằng pha xúc có công suất lớn như hiện nay, nó ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản rất lớn. Vì tất cả các loại sinh vật biển ở trong vùng ánh sáng quét qua đều bị tiêu diệt sạch. Lớn thì nổ mắt, nhỏ thì chết do sức nóng quá lớn. Đây là hiểm họa đã được báo trước...”. Tàu pha xúc chỉ vớt một phần nhỏ cá, số còn lại bị chết nằm lại trong đại dương bao la.
Xét một cách toàn diện, pha xúc tàn phá đến nguồn lợi thủy sản cũng không kém gì so với dùng thuốc nổ để khai thác thủy sản trên biển. Biển ngày càng cạn kiệt, người khai thác lại phát triển rầm rộ, thị trường đèn pha xúc bày bán công khai khắp nơi. Phải chăng đây là “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhà nước về thủy sản (?).