Cuộc sống của đại dương đang hấp hối và hậu quả là toàn bộ hệ sinh thái biển đang bị đe dọa chỉ đơn giản bởi các nguồn ô nhiễm. Nếu muốn bảo tồn biển và vẻ đẹp tự nhiên của nó, thì cần có những biện pháp quyết liệt để chống ô nhiễm và gìn giữ những gì chúng ta yêu mến nhất.
Trước đây, người ta cho rằng vì đại dương rất rộng và rất sâu, nên những tác động của việc xả thải xuống biển sẽ chỉ gây hậu quả rất nhỏ. Nhưng như chúng ta đã thấy, điều này đã được chứng minh là không đúng. Trong khi cả bốn đại dương đều phải gánh chịu những hậu quả từ con người trong hàng nghìn năm nay, song tốc độ tàn phá đại dương đã tăng mạnh trong vài thập kỷ qua. Tràn dầu, chất thải độc hại, nhựa nổi và nhiều yếu tố khác đã góp phần làm ô nhiễm đại dương.
Dưới đây là 20 sự thật về ô nhiễm biển:
1. Nhựa là yếu tố phổ biến nhất được tìm thấy trong đại dương. Nó có hại cho môi trường vì nó không dễ bị phân hủy và thường được các động vật biển xem là thức ăn.
2. Nguồn lớn nhất gây ô nhiễm biển là trực tiếp từ các nguồn trên đất liền, chẳng hạn như dầu mỏ, đất bẩn, hố xí tự hoại, trang trại, trại chăn nuôi, xe cơ giới, cùng với những nguồn lớn hơn. Hàng ngàn tấn chất thải và rác hàng ngày được đổ vào đại dương.
3. Mỗi năm có hơn một triệu con chim biển bị chết do ô nhiễm đại dương. Ba trăm ngàn con cá heo chết mỗi năm do vướng phải lưới đánh cá bỏ đi, cùng với những vật dụng khác. Một trăm ngàn động vật có vú biển bị chết trong đại dương bởi ô nhiễm mỗi năm.
4. Mặc dù nhiều chất thải và rác thải được trút xuống đại dương cách xa đất liền hàng trăm dặm, nó vẫn trôi dạt vào các bãi biển và các khu vực ven biển, và ảnh hưởng đến tất cả mọi mắt xích trung gian. Mọi loài động vật biển đều bị ảnh hưởng bởi những hóa chất do con người tạo ra thoát vào nước.
5. Trên Thái Bình Dương có một “hòn đảo” rác lớn gấp hai lần kích thước bang Texas, North Pacific Gyre nằm ngoài khơi bờ biển California là bãi rác đại dương lớn nhất thế giới. Ở đó, số lượng các mảnh nhựa trôi nổi lớn gấp 6 lần tổng số sinh vật biển ở vùng lân cận.
6. Dầu là nguồn tàn phá đại dương nhanh nhất, có hại hơn nhiều so với rác và chất thải. Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ của dầu (khoảng 12%) đổ vào đại dương là hậu quả của các sự cố tràn dầu. Hầu hết dầu gây ô nhiễm biển là kết quả của hệ thống thoát nước từ đất liền. Dầu tràn khiến các sinh vật biển ngạt thở và chết, và dẫn đến thay đổi tập tính và phá vỡ hệ thống cách nhiệt để các sinh vật sống sót. Điều này làm thay đổi cơ bản toàn bộ hệ sinh thái của khu vực bị ảnh hưởng, như dọc chiều dài bờ biển hoặc sâu dưới đại dương.
7. Kim loại độc có thể phá hủy sinh hóa, tập tính, sinh sản và sự phát triển của sinh vật biển.
8. Mảnh vụn nhựa có thể hấp thụ các hóa chất độc hại từ ô nhiễm đại dương, từ đó đầu độc bất cứ sinh vật nào ăn nó. Trong thực tế, ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với đại dương. Nhựa không bị phân hủy; thay vào đó, nó vỡ thành những mảnh ngày càng nhỏ, nhưng không bao giờ biến mất. Từ đó chúng thu hút thêm nhiều mảnh vụn hơn. Chúng đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với cho các sinh vật biển, và cho toàn bộ hệ sinh thái biển. Nhìn chung, nhựa là nguồn gây ô nhiễm số một ở các đại dương.
9. Không phải tất cả các nguồn gây ô nhiễm trong đại dương đều chỉ đến từ dầu mỏ, rác và chất thải rắn. Việc đổ chất thải phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân, sản xuất công nghiệp (như kim loại nặng và a xít), và nước thải cũng là những yếu tố góp phần đáng kể gây ô nhiễm.
Sự thật là hàng tỉ tấn rác kết thúc ở các đại dương mỗi năm, nhiều hơn đáng kể so với 250 triệu tấn rác được tạo ra. Điều này đã dẫn đến mất dần đời sống biển và tăng số lượng các loài bị đe dọa. Xả thải gây ô nhiễm trong đại dương, dẫn đến tổn thất lớn về sinh vật biển.
10. Rác thải dẫn đến sự phân hủy các chất hữu cơ làm thay đổi đa dạng sinh học. Ngay cả khi hệ sinh thái của đại dương không bị phá hủy hoàn toàn, nó vẫn thay đổi rất nhiều và thường không theo hướng tốt hơn.
11. Phân bón chảy tạo nên hiện tượng phú dưỡng khiến tảo nở hoa làm cạn kiệt lượng ôxy trong nước, ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật biển.
12. Động vật nhỏ ở dưới cùng của chuỗi thức ăn hấp thụ các chất hóa học cùng với thức ăn. Những con vật nhỏ này sau đó lại thành thức ăn củ những động vật lớn hơn, tiếp tục làm tăng sự tích tụ hóa chất. Động vật ở phía cùng của chuỗi thức ăn có mức độ ô nhiễm cao gấp hàng triệu lần hơn so với mức độ ô nhiễm của vùng nước mà chúng sống.
13. Người dân bị nhiễm độc dễ dàng do ăn hải sản bị ô nhiễm có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, từ ung thư đến tổn thương hệ thống miễn dịch.
14. Rác thải như chai nhựa, lon nhôm, giày dép, vật liệu bao bì - nếu không xử lý đúng, có thể dạt ra biển và dạt vào bờ biển, gây ô nhiễm bãi biển và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp du lịch địa phương.
15. Nước mặn của đại dương có thể đưa các chất ô nhiễm từ đại dương vào các nước ngọt ven biển khiến các giếng và nước ngầm bị ô nhiễm.
16. Hóa chất từ sản xuất công nghiệp và mỏ cũng có thể thoát vào đại dương thông qua các hoạt động trên đất liền. Chúng có thể thấm qua đất và nước trong khi sản xuất, sử dụng hoặc rò rỉ tình cờ. Từ đất hoặc nước, chúng nhập vào các dòng hải lưu và và có thể lan đi xa hơn.
17. Vì 70% trái đất được bao phủ bởi nước nên nhiều người tưởng rằng tất cả các chất gây ô nhiễm sẽ được pha loãng và biến mất. Nhưng trong thực tế, chúng không hề biến mất và có thể dễ dàng nhìn thấy ảnh hưởng của chúng khi nhập vào chuỗi thức ăn.
18. Cho đến năm 1970, nhiều loại các hóa chất và rác đã cố tình bị đổ vào các đại dương và trở thành cách làm thông dụng để xử lý tất cả mọi thứ, kể cả trừ sâu và chất thải phóng xạ vì cho rằng chúng sẽ được hòa tan tới mức an toàn.
19. Ở một số nơi trên thế giới như Vịnh Mexico và biển Baltic, hiện tượng phú dưỡng đã tạo ra những vùng chết vô cùng lớn.
20. Đến ngày hôm nay, ở nhiều nơi trên thế giới, nước thải vẫn được thải vào đại dương - không được xử lý hoặc xử lý không đạt. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của sinh vật biển và cuộc sống của con người.