Phà Vàm Cống dừng hoạt động từ ngày 30/6, kết thúc nhiệm vụ 100 năm

Hơn một tháng sau khi cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu thông xe, phà Vàm Cống kết thúc nhiệm vụ 100 năm.

Các chiếc phà Vàm Cống còn hoạt động sau khi cầu bắc qua sông Hậu thông xe hồi tháng 5. Ảnh: Quỳnh Trần.
Các chiếc phà Vàm Cống còn hoạt động sau khi cầu bắc qua sông Hậu thông xe hồi tháng 5. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ngày 27/6, ông Nguyễn Phúc Nguyên - Trưởng bến phà Vàm Cống (An Giang - Đồng Tháp) cho biết, đơn vị đã nhận được quyết định của Tổng cục Đường bộ về việc dừng hoạt động bến phà này vào 9h ngày 30/6.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu thông báo rộng rãi về thời gian kết thúc nhiệm vụ của bến phà, tổ chức phân luồng để người tham gia giao thông biết. Cục Quản lý Đường bộ IV được phân công làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trên cầu Vàm Cống và các tuyến kết nối...

Bến phà Vàm Cống đã hoạt động khoảng 100 năm, có 170 nhân sự, 10 chiếc phà. Khi cầu thông xe, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng lao động thời vụ với 50 người. 50 nhân viên cùng 5 chiếc phà được chuyển đến phục vụ ở các bến khác tại miền Tây.

Hơn tháng qua, mỗi ngày bến phà Vàm Cống có 2-3 chiếc chở 4.000 - 5.000 xe máy và khoảng 100 ôtô. "Sắp tới, 70 người cùng 5 chiếc phà còn lại tiếp tục được điều đến các bến trong khu vực", ông Nguyên nói.

Cầu Vàm Cống vượt sông Hậu khánh thành hôm 19/5, đã kết nối thông suốt toàn tuyến quốc lộ N2 từ Bình Phước về đến TP Cần Thơ, song song với quốc lộ 1A. Thời gian và cự ly từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ đi TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ được rút ngắn.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.