Trước áp lực phản đối của người dân, hiện chủ đầm tôm này đã phải dừng các hoạt động thi công.
Đào ao nuôi tôm, phá rừng phòng hộ
Sự việc xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Theo người dân nơi đây phản ánh, từ tháng 12-2018 ông Nguyễn Văn Hào (ngụ phường Vinh Tân, TP Vinh) đã thuê khu đất trang trại của ông Nguyễn Văn Lễ để triển khai dự án nuôi tôm.
Nhiều cây phi lao trong rừng phòng hộ bị chặt phá |
Thời gian qua người dân thấy các công nhân san ủi cây và xây dựng nhà cửa, đào ao triển khai dự án nuôi tôm. Điều đáng nói là các hoạt động xây dựng, san ủi này diễn trên đất rừng phòng hộ ven biển. Bức xúc trước sự việc trên, nhiều bà con xóm Bắc Thịnh (xã Nghi Thiết) đã tập trung bao vây công trình, buộc chủ dự án và các công nhân dừng thi công.
Có mặt tại khu vực trên, theo quan sát của PV công trình xây dựng dự án nuôi tôm này đã tạm dừng hoạt động, không còn công nhân làm việc. Tại đây, một diện tích lớn đã được đào múc, san ủi để lấy mặt bằng xây ao nuôi tôm.
Con đường dẫn vào công trình được treo biển biển báo "rừng phòng hộ" và người dân dùng cây gỗ, bê tông làm chướng ngại vật ngăn xe chở vật liệu xây dựng vào bên trong.
Một diện tích rừng phòng hộ bị san ủi làm nền ao nuôi tôm |
Đi vào phía trong, phần diện tích thuộc trang trại của ông Lễ được ngăn cách với rừng phòng hộ bởi 1 dãy cọc bê tông cao chừng 4m. Ngay trên phần diện tích rừng phòng hộ, nhiều cây phi lao hơn 20 năm tuổi đã bị chặt phá, san ủi, xây dựng một dãy nhà cấp bốn kiên cố.
Ngoài ra, một số hạng mục như tường rào, đường ống thoát nước đang được xây dựng dang dở cùng máy móc, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Tuyết - xóm trưởng xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc bức xúc: Chúng tôi không biết có dự án nuôi tôm cho đến khi họ kéo đường dây điện chặn cả con đường vào nghĩa trang của xóm, và xây dựng nhiều hạng mục. Việc nuôi tôm có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhưng bức xúc nhất là họ phá cả vạt rừng phòng hộ để phục vụ công trình của họ. Đây là rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát, chống xâm nhập mặn, bảo vệ làng chúng tôi và hơn 5,5 ha đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Nhời – Bí thư Chi bộ xóm Bắc Thịnh (xã Nghi Thiết) cho biết rừng cây do dân trồng suốt hàng chục năm qua |
Ông Nguyễn Minh Nhời – Bí thư Chi bộ xóm Bắc Thịnh nói thêm: Hàng cây phi lao ở rừng phòng hộ là do dân chúng tôi trồng hàng chục năm qua. Không thể vì cái lợi của 1 vài cá nhân mà làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, môi trường, và biển xói lở ăn vào đất liền được.
Sẽ xử lý nếu địa phương buông lỏng quản lý
Trao đổi với ông ông Bùi Văn Thành - chủ tịch UBND xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cho biết: Hiện dự án nuôi tôm đang phải tạm dừng sau phản đối của người dân và chờ cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, xác định ranh giới đất rừng phòng hộ và đất làm trang trại.
Theo ông Thành, xã làm hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Lễ thuê đất làm trang trại, thu 1,7 triệu đồng/tháng. Hợp đồng cho thuê đất không quá 5 năm. Còn việc ông Lễ cho ông Nguyễn Văn Hào thuê lại đất làm dự án nuôi tôm xã không biết được vì đây là hợp đồng giữa hai người.
Công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng phòng hộ sẽ bị dỡ bỏ |
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trạm trưởng Trạm quản lý rừng phòng hộ Nghi Tiến thông tin: Trước đó, khi đơn vị thi công đào ao nuôi tôm tại khu vực giáp rừng phòng hộ Nghi Thiết, Trạm đã tổ chức kiểm tra. Tại thời điểm đó, đơn vị thi công có chặt phá cây, xâm lấn đất rừng phòng hộ. Chúng tôi đã lập biên bản sự việc, đồng thời yêu cầu bên thi công trồng lại phần diện tích rừng đã bị chặt phá.
Địa phương khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế, nhưng không được làm ảnh hưởng đến môi trường, nhất à khu vực rừng phòng hộ, có tác dụng chắn sóng, ngăn chặn sự xâm nhập mặn của biển.
Ông Nguyễn Công Sơn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, cho biết: Sáng nay 8/3 ông đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra và xác nhận có việc rừng phòng hộ ven biển xã Nghi Thiết bị xâm lấn. "Họ chặt phá cây và xây dựng một số công trình lấn vào đất rừng phòng hộ. Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu họ tháo dỡ công trình vi phạm", ông Sơn thông tin.
Về việc đơn vị thi công xâm lấn đến rừng phòng hộ mà đơn vị quản lý rừng không biết, ông Sơn cho biết trách nhiệm giám sát địa bàn sát nhất ở đây là chính quyền địa phương.