PGS.TS Trần Thị Thu Hà: Trọn đời cống hiến cho những cánh rừng

GD&TĐ -PGS.TS Trần Thị Thu Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) dành đam mê cho việc nghiên cứu bảo tồn, lai tạo nhiều loại cây gỗ, dược liệu quý.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà (đứng giữa) hướng dẫn đồng nghiệp trẻ Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp. Ảnh: Đức Trí
PGS.TS Trần Thị Thu Hà (đứng giữa) hướng dẫn đồng nghiệp trẻ Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp. Ảnh: Đức Trí

Với những cống hiến không ngừng, chị được vinh danh và nhận giải thưởng Kovalevskaia 2019.

“Thả” mình cùng ước mơ phủ xanh đất rừng

- Suốt quãng thời gian học phổ thông chị là HS giỏi môn Vật lý nhưng khi vào ĐH chị lại chọn Lâm nghiệp - nghề chỉ nghe đã thấy vất vả, xa xôi để theo học. Lý do là gì?

- Tôi sinh ra lớn lên ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An, từ bé cuộc sống đã gắn liền với rừng. Vào ĐH, tôi chọn học ngành Lâm nghiệp, trong mắt của mọi người đây là một ngành vất vả… Tuy nhiên, mỗi người có một ước mơ, đam mê và mong muốn được “thả” mình trong lĩnh vực yêu thích và cho rằng mới mẻ, ít người chọn. 

Tôi đến với rừng như duyên nghiệp mà đã là duyên thì nhiều lúc không chọn cũng vẫn đến. Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn công việc này bởi nó thực sự cần thiết cho màu xanh của đất nước. Và phát triển lâm nghiệp đang trở thành chủ đề nóng khi hệ sinh thái tự nhiên dần mất đi; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến con người phải đối mặt hàng ngày. Mấy chục năm trước, tôi chọn nghề lâm nghiệp tưởng như không thực tế nhưng hiện tại nó thực sự hữu ích. 

- Ước mơ tuổi trẻ và những chuyến đi thực địa đã tác động ra sao tới bản thân chị để có được quyết tâm theo đuổi công việc, thậm chí trở thành đam mê? 

- Tôi còn nhớ, chuyến đi đầu tiên lúc mới ra trường làm công tác giao rừng Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn… Một cô bé chỉ 40 - 42kg, trên vai đeo ba lô và bản đồ, ngồi trên thùng xe tải, đi hết ngày này đến ngày khác; Chúng tôi đi xuyên rừng để vào được bản người Mông, Dao tại Đồng Văn, Mèo Vạc thực hiện chương trình...

Sau này cứ mỗi lần gặp khó khăn tôi lại nghĩ đến những “đường cày trên đá”, bốc từng nắm đất bỏ vào hốc đá để trồng cây ngô, cây cỏ để chăn nuôi trâu bò của bà con dân tộc ở Hà Giang. Hay những chuyến công tác xe đi bên là vực, bên núi khiến cả đoàn (trừ lái xe) không ai dám nhìn đường vì sợ. Nhiều khi 1 - 2 giờ đêm chúng tôi vẫn di chuyển trên những tuyến đường vùng cao cua dốc… Những thử thách đó tạo cho tôi một nghị lực sống, cống hiếnvà phải làm sao để cuộc đời mình có ý nghĩa.

- Mong muốn giữ màu xanh cho rừng trên khắp vùng miền Tổ quốc trong bối cảnh nhiều cánh rừng đang bị tàn phá…chắc hẳn là động lực để chị và đồng nghiệp tại Viện có sự điều chỉnh trong công việc?

- Ban đầu, Viện chỉ làm mảng nghiên cứu, lựa chọn, lai tạo nhưng hiện nay còn cung cấp giống cây trồng cho các địa phương, tạo màu xanh cho hàng nghìn hec ta rừng; chuyển giao cho các tập đoàn, công ty giống cây tốt để phủ xanh rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Mặt khác, do lâm sản chưa tạo thành hệ thống thị trường để bao tiêu sản phẩm, vẫn mang tính chất manh mún, nên Viện hướng tới chế biến và tiêu thụ. Đó là lý do tại sao từ Viện nghiên cứu chuyên lĩnh vực khoa học đã chuyển sang nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tiễn. Viện đã liên kết với nhiều tập đoàn, công ty để thu mua và bao tiêu sản phẩm; Chuyển giao các quy trình công nghệ và đồng hành tạo nên những cánh rừng khu vực, tạo ra sản phẩm chuỗi để nâng giá trị rừng thành sản phẩm tinh…

Tự hào với nhiệm vụ “trồng người”

- Ở vị trí “trồng người”, chị đã thay đổi ra sao để người học thực sự yêu công việc thay vì chỉ ngồi trên ghế nhà trường ghi chép, đọc sách?

- Có 2 đối tượng Viện đang đào tạo là các nghiên cứu sinh, cao học và người dân, cán bộ kỹ thuật của địa phương. Chúng tôi luôn tìm cách truyền đạt làm sao để không phải là lý thuyết suông, mà vừa dạy lý thuyết vừa đào tạo trực tiếp trong phòng thí nghiệm hoặc trên đồng ruộng. 

Viện có mô hình thực tế và mở cửa cho tất cả người làm công tác nghiên cứu tới học tập. Trước đây, muốn nghiên cứu cây Hoàng tinh trắng (một loại sâm), người học phải đi nhiều ngày tới Hoàng Su Phì hay Lai Châu để tìm, bây giờ chỉ cần đến Viện có ngay cây bố, cây mẹ, cách chế biến... để học.

Viện còn gây dựng cả những khu rừng cùng các loại cây quý hiếm tại khu vực Hồ Núi Cốc để người học có điều kiện tiếp xúc thực tiễn. Những điều Viện làm nhằm hướng tới mong muốn loài cây gỗ, dược liệu quý… sẽ được lưu trữ trong tự nhiên, thế hệ sau này biết đến chúng trong thực tế chứ không chỉ trên sách vở, tài liệu…

- Trao quyền tự chủ có phải là cách để chị thúc đẩy những đồng nghiệp trẻ làm khoa học với niềm say mê? 

-Những bạn trẻ làm việc ở Viện đều tốt nghiệp lĩnh vực Nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường... Đặc biệt, trong số đó gần một nửa là con em người dân tộc thiểu số. Khi các em ra trường, chúng tôi luôn mở rộng vòng tay đón vào làm việc và khi “đủ lông cánh” Viện sẵn sàng “thả” để các em có cơ hội làm việc ở bất cứ nơi nào mong muốn. 

- Với chị giải thưởng Kovalevskaia 2019 là điểm dừng hay động lực để tiếp tục làm và cống hiến?

- Trong công việc chưa bao giờ tôi nghĩ làm để nhận bằng khen, giấy khen. Tôi không quan tâm nhiều lắm đến sự ghi nhận, vinh danh. Giải thưởng đến với tôi rất tự nhiên, khi nhà trường thông báo tôi mới biết.
Khá bất ngờ, tuy nhiên giải thưởng với tôi là toàn bộ giá trị cuộc đời. Một người không quan tâm nhiều về hình thức, không phô trương nhưng nhận được giải thưởng khiến tôi thấy có niềm tin với xã hội, những người làm công tác thi đua khen thưởng, hội đồng xét giải thưởng… 

Những giải thưởng, thành tích đạt được một cách tự nhiên tiếp thêm cho tôi niềm tin, động lực để làm việc, cống hiến. Đồng thời, thêm tin vào cách mình đang làm, hướng mình đang đi là đúng đắn và thấy rõ hơn trọng trách mình đang mang.  

- Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thị Thu Hà!

Tôi luôn tâm đắc với vai trò nhà giáo, người đưa đò và luôn ý thức phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, SV và cộng đồng. Không những trồng cây gây rừng, tôi còn làm nhiệm vụ “trồng người”. Do đó, những gì tích lũy được trong sự nghiệp của mình, tôi muốn trao lại cho các bạn trẻ để tiếp tục xây dựng, cống hiến cho lĩnh vực mà tôi và nhiều đồng nghiệp đã dành cả cuộc đời, tâm huyết nghiên cứu và xây dựng, để việc giữ màu xanh quê hương được tiếp tục lan tỏa.  - PGS.TS Trần Thị Thu Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ