Với 9 bằng sáng chế về nông nghiệp cùng 450 công trình được chuyển giao trong và ngoài nước, PGS.TS Trần Doãn Sơn vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Chia sẻ với vất vả của người nông dân
Ở tuổi 67 nhưng NGND, PGS.TS Trần Doãn Sơn vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Cứ mỗi sáng thức dậy, ông lại đảo quanh xưởng để xem lại sản phẩm mình đang thực hiện và hoàn thiện đến đâu để chuyển giao cho đối tác.
Có ý tưởng hay điều gì mới mẻ nảy ra trong đầu ông lại viết lên bảng, để khi có thời gian thì mày mò nghiên cứu.PGS.TS Trần Doãn Sơn cho biết đó là thói quen của ông mấy chục năm nay.
Từ năm 1990 PGS.TS Doãn Sơn đã cùng các cộng sự bắt đầu nghiên cứu và sáng chế các sản phẩm chế biến nông sản, gian nan vất vả mãi đến năm 2003 mới cho ra mắt sáng chế mang tầm quốc tế đầu tiên. Sản phẩm đầu tay và mang nhiều ý nghĩa nhất đối với ông chính là sáng chế “Thiết bị và qui trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa”.
Ông cho biết: “Đây là sáng chế có tính bước ngoặt khi chuyển đổi công nghệ chế biến hạt điều bằng chao dầu sang công nghệ hấp. Tôi nói nó ý nghĩa vì đó là khát vọng của tôi lúc còn trẻ được thực hiện thành công.
Sáng chế này đã chuyển đổi qui trình chế biến hạt điều theo hướng giảm cực nhọc, mang lại niềm vui cho hàng ngàn công nhân lao động trên công đoạn tách vỏ cứng. Người công nhân không phải hít thở và tiếp xúc dầu điều chứa nhiều axit khi tách vỏ, giảm thải ô nhiễm môi trường, năng suất cũng tăng cao hơn”.
Theo PGS.TS Trần Doãn Sơn, lý do khiến ông và các cộng sự tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ để chế biến các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của Việt Nam như gạo, hạt điều, cà phê, tiêu… vì ông không muốn thấy người nông dân cực khổ nhưng thành quả được hưởng lại không tương xứng.
“Trước đây cũng như hiện nay, công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm này còn thua kém nhiều nước. Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, trong đó các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy vậy, việc xuất khẩu nông sản của chúng ta phần lớn vẫn là xuất khẩu thô, giá trị thương mại không cao. Điều này làm cho bản thân tôi và các đồng nghiệp rất buồn và thương những người nông dân khó nhọc quanh năm mà đời sống không khá lên được.
Từ suy nghĩ về chuyên môn cũng như tình yêu thương những người nông dân cực khổ, tôi đã bàn với đồng nghiệp và các em cựu sinh viên tập trung vào hướng chuyển đổi công nghệ từ thô sơ sang công nghiệp chế biến hiện đại, lấy công nghiệp chế biến của một số nước tiên tiến để đạt được mục tiên theo kịp hoặc sáng tạo thêm trong quá trình thực hiện”, PGS.TS Trần Doãn Sơn chia sẻ.
Sau nghiên cứu về công nghệ bóc tách và sơ chế hạt điều, PGS.TS Trần Doãn Sơn đã cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu, sáng chế khác mang tính đột phá thông qua việc thực hiện 5 đề tài cấp Nhà nước, 9 bằng sáng chế điển hình như: Cụm công trình sáng chế về thiết bị sản xuất phở tươi, bánh cuốn, mì quảng (được cấp bằng sáng chế số 7779), cụm công trình làm bánh tráng gạo (bằng sáng chế số 7268), bánh tráng bía (bánh tráng xốp, được dùng để sản xuất chả giò bía) hay sáng chế về công trình làm bánh tráng rế (được cấp 2 bằng sáng chế số 7568 và 21202)…
Đây đều là những sáng chế mang tính thực tiễn và hữu ích rất cao, giúp chuyển đổi việc sản xuất từ hướng thủ công với năng suất thấp sang năng suất cao bằng công nghệ và dây chuyền sản xuất tự động. Nhờ đó, năng suất cao, đạt quy chuẩn để xúc tiến thương mại khắp cả nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các sáng kiến của PGS.TS Trần Doãn Sơn còn sử dụng thiết bị robot để thay thế các thao tác trong điều kiện lao động nhiệt độ cao và cường độ tập trung lớn.
Ngoài cụm công trình trên, PGS.TS Trần Doãn Sơn còn 3 công trình khác được đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021 gồm: Công trình sản xuất thiết bị sản xuất bún mini; Công trình thiết bị sản xuất bún, bánh hỏi, bánh canh, phở, bánh cuốn, mì quảng đồng thời trên một thiết bị; Công trình cà phê…
Mong muốn làm “người truyền lửa” cho thế hệ trẻ
PGS.TS Trần Doãn Sơn tốt nghiệp ngành chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, được phân công làm giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM từ năm 1977. Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Czech, ông tiếp tục công việc giảng dạy nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM đến nay.
Hơn 44 năm thực hiện nhiệm vụ “trồng người” và nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Doãn Sơn vẫn luôn đau đáu với việc truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo cho các thế hệ học trò.
“Ngoài niềm đam mê sáng tạo, tôi còn một niềm vui rất lớn là dành thời gian để truyền lửa cho học trò. Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của sinh viên bày tỏ mong muốn hướng nghiệp, tôi rất hạnh phúc về điều đó.
Hiện nay đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn dành thời gian để đi dạy, xem đây là cơ hội để gần gũi, truyền niềm say mê học tập cho học trò, đồng thời cũng là để bầu bạn, học hỏi từ các em. Sinh viên bây giờ có nhiều cái hay lắm. Họ rất ham học hỏi và tìm tòi, họ giỏi đồ họa trên máy tính, giỏi thao tác các phần mềm để xử lý bài toán công việc một cách nhanh chóng, tối ưu”, NGND Trần Doãn Sơn chia sẻ.
Với phương châm giảng dạy là khơi gợi tư duy sáng tạo của học trò thay vì chỉ ghi chép kiến thức, những vấn đề thực tế ở xưởng nghiên cứu được ông đưa ra luôn hút sinh viên tranh luận, phản biện để tìm ra giải pháp tốt nhất.
“Có lẽ phương pháp nghiên cứu của tôi chưa chắc đã trở thành phương pháp chung trong NCKH và chuyển giao công nghệ. Nhưng tôi quan niệm, đã bắt đầu một hành trình thì phải luôn tin tưởng vào đồng đội của mình. Vì vậy, ngay khi thực hiện đề tài, dự án, tôi chú trọng nhiều đến nhân sự cùng tôi thực hiện dự án.
Trong nhóm nghiên cứu, mỗi một cá nhân đã được chọn lựa sẽ cùng hỗ trợ nhau, để sau này kết thúc hành trình phải là sáng chế và những công cụ khác cho việc khởi nghiệp của các em. Hành trình thành công của tôi có sự đóng góp của học trò mình và ngược lại, chúng tôi hòa quyện vào nhau để tạo ra giá trị cho xã hội từ chính nghiên cứu của mình”, PGS.TS Trần Doãn Sơn chia sẻ.
Mặc dù ở tuổi xế chiều nhưng NGND, PGS.TS Trần Doãn Sơn vẫn không thôi trăn trở cho hành trình nghiên cứu, đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới.
“Có nhiều động lực thúc đẩy việc nghiên cứu của tôi. Qua mỗi sản phẩm nghiên cứu, tôi còn có khát vọng giới thiệu các món ăn của Việt Nam ra thế giới. Cực nhọc có, vất cả có, nhưng khi nhìn vào những máy móc có dòng chữ “Made in Vietnam” đến với bạn bè quốc tế, hình ảnh đất nước ngày một lan tỏa qua chính những nông sản Việt, tôi tự hào lắm”, PGS.TS Trần Doãn Sơn cho biết.