PGS.TS Trần Doãn Sơn: Chế tạo máy làm bún phở, xuất khẩu nước ngoài

GD&TĐ - Hơn 40 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Doãn Sơn (SN 1954), giảng viên khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tiên phong lập xưởng nghiên cứu, sáng chế ra nhiều loại máy chế biến nông sản, thực phẩm. Sáng chế của ông đã góp phần nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương mại hóa công nghệ chế biến thực phẩm và quảng bá món ăn truyền thống với bạn bè quốc tế.

 PGS.TS Trần Doãn Sơn bên chiếc máy phở đang hoàn thiện để xuất đi Nhật. Ảnh: TG
PGS.TS Trần Doãn Sơn bên chiếc máy phở đang hoàn thiện để xuất đi Nhật. Ảnh: TG

Mở xưởng nghiên cứu sáng tạo

Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS Trần Doãn Sơn được điều động vào công tác tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Hơn 40 năm gắn bó với giảng đường ĐH, PGS Trần Doãn Sơn luôn tận tụy, nhiệt huyết, hết lòng vì sinh viên, cộng sự. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những ai quan tâm, góp phần đưa lĩnh vực cơ khí ngày càng đi lên, xứng đáng là ngành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế phát triển. Để thuận lợi cho công tác giảng dạy, ông đầu tư lập xưởng cơ khí ngay tại nhà. Đây là nơi ông tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối thực tập, nghiên cứu sáng tạo. Gần 20 năm nay, với xưởng cơ khí nhỏ này, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của ông và cộng sự đã được thử nghiệm, lắp ráp và vận hành thành công, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa.

“Việt Nam là đất nước nông nghiệp, có nhiều món ăn truyền thống như bún, phở, bánh tráng… được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp truyền thống chế biến thì rất mất thời gian, cần nhiều nhân lực nhưng năng suất, mẫu mã chưa được như mình mong muốn. Nếu áp dụng công nghệ thì quy trình sản xuất đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí...” - PGS Sơn chia sẻ. Từ đó, ông và các cộng sự đã sáng chế ra các loại máy chế biến cà phê, hạt điều, máy làm bún, phở... Những chiếc máy chế biến thực phẩm nhỏ gọn đã giúp cho các hộ gia đình phát triển kinh tế. 

PGS.TS Trần Doãn Sơn nhận giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2020.
PGS.TS Trần Doãn Sơn nhận giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2020. 

Quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới

Không chỉ được sử dụng trong nước, nhiều loại máy do PGS Trần Doãn Sơn sáng chế còn xuất ra các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Singapore… Năm 2005, ông cho ra đời thiết bị làm bánh phở nhằm thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất, đồng thời vẫn bảo đảm được chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Năm 2007, chiếc máy hoàn chỉnh đầu tiên tích hợp toàn bộ quy trình chế biến bánh phở tươi (gồm xay nhuyễn, lọc tạp chất, khuấy đều, cán mỏng, hấp, cắt sợi, thành phẩm; không kể phân đoạn ngâm) chính thức ra đời.

Đặc biệt, với chiếc máy này, người thợ có thể rút ngắn quy trình làm bánh phở tươi từ 12 tiếng xuống còn chưa tới 2 giờ.

Dù được xếp vào những món ăn ngon nhất của thế giới nhưng để làm nên một tô phở thơm ngon đắm lòng thực khách mất rất nhiều thời gian. Trong đó, khâu chế biến bánh phở tốn rất nhiều công sức và nếu bánh phở không đủ tươi ngon thì sức hấp dẫn của món phở xem như đã bớt đi một nửa. Vì thế, chiếc máy làm phở tươi của thầy Sơn đã làm nên một cuộc cách mạng đối với quy trình sản xuất bánh phở tươi, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa quảng bá công nghệ sản xuất phở ra thế giới. 

Mới đây, PGS Sơn tiếp tục nghiên cứu ra nhiều thiết bị tiện ích khác cũng liên quan đến ẩm thực. Trong số đó, phải kể đến sản phẩm “Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước”. Thiết bị đáp ứng được công nghệ sản xuất bún từ bột gạo pha loãng thành sợi bún đã được làm chín từ từ, từ nhiệt độ thấp đến nhiệt độ cao nhờ trục vít và xilanh có kết cấu đặc biệt, thao tác vận hành đơn giản, phù hợp cho nhà hàng, khách sạn. Hiện thiết bị đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Mỹ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào, Nhật) và tiến tới xuất khẩu ra thị trường châu Âu.

Thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn cũng là một sản phẩm độc đáo, được cấu tạo gồm trục tạo hình bánh, cụm hấp bánh và cụm lấy bánh, giúp làm tăng năng suất, tránh lãng phí nguyên liệu sau tạo hình, tạo ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã như mong muốn. Giải pháp này đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất từ bột gạo pha loãng thành bánh tráng dạng tròn có đường kính và độ dày hợp lý, đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trên cả nước.

Hiện tại, ông vẫn đang miệt mài nghiên cứu để chế tạo thiết bị sản xuất bún dạng mini dùng gạo lứt trang bị cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài nước nhằm quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt Nam trên toàn thế giới và chế tạo dây chuyền sản xuất tự động chả giò rế… góp phần nâng tầm giá trị và đưa thực phẩm Việt Nam vươn ra thế giới.

Tại Giải thưởng sáng chế TPHCM năm 2020, PGS.TS Trần Doãn Sơn đã vinh dự nhận được 3 giải thưởng (1 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích). Các công trình sáng chế của ông đoạt giải gồm: Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước; Thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn; thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động lấy bánh. Đến nay, ông đã sở hữu 15 đề tài khoa học với 9 công trình được bằng sáng chế độc quyền và được ứng dụng thương mại ra thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.