Nhà khoa học Việt sáng chế được “nỏ thần”?

Nhà khoa học Việt sáng chế được “nỏ thần”?

Bắn được nhiều mũi tên cùng lúc

Tháng 12/2019, kỹ sư tên lửa Vũ Đình Thanh gửi tờ khai đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) để đăng ký phát minh sáng chế mang tên: “Nỏ bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ”.

Nguyên lý của “nỏ thần” tương đối giống với nguyên lý hoạt động của tên lửa container - một dạng quả tên lửa to, bên trong chứa những quả tên lửa nhỏ. Khi bay xuống thì quả tên lửa to tách ra, các quả tên lửa nhỏ lại tiếp tục bay tiếp.

"Tôi chế ra một ống đựng mũi tên từ tre. Một đầu ống tre, tôi chế thêm chiếc nắp vừa lắp khít với ống và đục các lỗ để xếp mũi tên đồng. Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu. Lực của dây cung sẽ tác động lên ống hình tròn, như là bắn một mũi tên to đi.

Khi ống tre bay đến vị trí ở đầu nỏ sẽ có hai thanh hãm để “phanh” ống tre lại, còn 6 mũi tên thì theo quán tính bay về phía trước. Nghĩa là, các mũi tên bay ra phía trước theo quán tính, lực của dây cung không trực tiếp tác động vào từng mũi tên như cách bắn nỏ hoặc cung thông thường", ông Thanh giải thích.

Theo ông Thanh chia sẻ, ông đã thử bắn tại căn hộ của mình KĐT Ciputra (Hà Nội), kết quả là một miếng chân tường bị lở do lực bắn của mũi tên. Nỏ được chế với cánh cung dỡ ra từ một chiếc cung thể thao.

Dây nỏ cũng đơn giản không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, ống tên và mũi tên lại khác thường. Hiện tại, ông Thanh đã tính toán sơ bộ, lực bắn của mũi tên có thể đạt tới rất cao, thậm chí có thể bắn xuyên táo, và ở cự ly khoảng 500m và trong tương lai có thể lắp thêm được nhiều mũi tên hơn nữa.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, ngày 30/12/2019, ông được đích thân KS Vũ Đình Thanh mời tham dự buổi bắn thử “nỏ thần” do ông Thanh tự chế.

TS Khải khẳng định chiếc nỏ của ông Thanh chỉ là nỏ bắn được nhiều mũi tên cùng lúc chứ không thể là chiếc nỏ bắn liên tục, liên tiếp các lượt mũi tên khác nhau như trong truyền thuyết An Dương Vương của Việt Nam hay như vũ khí thời kỳ cận đại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải nỏ thần của An Dương Vương

Chiếc nỏ của ông Thanh được hoạt động theo nguyên lý biến thế năng thành động năng. Nó dựa trên việc người bắn kéo dây cung thì cây cung biến dạng tạo ra lực đàn hồi, kéo dây trở lại vị trí cũ. Khi đó, đẩy mũi tên đi.

Từ công thức khoa học vật lý, thế năng càng lớn thì động năng càng lớn. Cung bắn xa nhất là cung của Thổ Nhĩ Kỳ khi có thể bắn được 300m, còn cung thường chỉ bắn được được 30m tạo ra độ sát thương.

Nhưng loại này chỉ phù hợp với chiếc cung có một mũi tên. Nếu lắp 2 mũi tên trở lên thì năng lượng đó phải chia ra cho các mũi tên, từ đó động năng bị giảm đi, quãng đường đi của mũi tên sau khi bắn cũng ngắn lại.

Công thức tính động năng là KE = 0,5 x mv2. Trong đó, m là khối lượng, v là vận tốc. Khi khối lượng tăng lên gấp đôi thì động năng giảm đi 1/4. Như thế thì càng nhiều mũi tên thì động năng từ chiếc nỏ của ông Thanh càng nhỏ, quãng đường đi của mũi tên càng ngắn và tính sát thương thấp.

Với chiếc nỏ của ông Thanh cùng một lúc bắn được 6 mũi tên, quãng đường mũi tên bay chỉ vài chục mét. Ông Thanh muốn chế tạo chiếc nỏ của mình có thể bắn được tới 10 mũi tên cũng được nhưng khi đó tính thực chiến của chiếc nỏ không cao.

Hơn nữa, chiếc nỏ này được chế tạo bắn "phát một" và phải mất một khoảng thời gian nhất định để tra tên vào trong ống nên không thể có sức bắn liên tiếp như chiếc nỏ trong chuyện cổ tích An Dương Vương hay những chiếc nỏ được Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.

"Trong lịch sử của Việt Nam, nỏ thần của An Dương Vương là loại nỏ liên châu, bắn liên tiếp các đợt mũi tên khác nhau chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Chiếc nỏ mà ông Thanh chế tạo không đáp ứng được việc này. Thậm chí còn không có khả năng thực chiến cao như những chiếc nỏ thông thường mà người xưa thường sử dụng" - TS Khải cho biết.

Sẵn sàng biểu diễn đối chứng

KS Vũ Đình Thanh thẳng thắn sẵn sàng tổ chức đối chứng với bất cứ nhà khoa học nào về nguyên lý của “nỏ thần”. KS Thanh khẳng định: “Nỏ theo nguyên lý của tôi ngoài việc bắn nhiều mũi tên một lúc còn bắn được tên với tốc độ và khoảng cách xa hơn rất nhiều so với tất cả các loại cung nỏ trên thế giới ngày hôm nay 2020 (nếu cùng lực bắn), nếu cần thì bắn liên tục được”.

Đến thời điểm này, nếu có cơ quan nào yêu cầu lập hội đồng thẩm định thì KS Thanh rất sẵn lòng tham dự. Khi đó ông Thanh sẽ thực hiện trình diễn làm một cái nỏ to có hai người kéo, bắn được 20 mũi tên với khoảng cách 200m và bắn liên tục.

“Theo tính toán thì có thể làm nỏ bắn 500m và bắn nhiều mũi tên cùng lúc. TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, cung bắn nhiều mũi tên cùng lúc sẽ làm phân tán lực, khối lượng mũi tên càng nặng thì càng khó bay xa là đúng.

Nhưng ở đây, tôi sử dụng mũi tên nguyên bản là mũi tên thể thao to dài nên không ảnh hưởng đến lực đẩy. Cùng một mức động năng (cùng một lực bắn) khối lượng mũi tên càng nhỏ thì càng bay xa và càng uy lực. Chiếc nỏ này bắn được mũi tên nhỏ bằng năng lượng của mũi tên to dài nên mũi tên nhỏ bay xa và uy lực hơn rất nhiều.

Nỏ thần An Dương Vương đã có công nghệ bắn được mũi tên nhỏ được cho là đỉnh cao của công nghệ thời đó cách đây 2.300 năm. Các loại nỏ và cung khác không bắn được mũi tên nhỏ với năng lượng lớn được nhưng “nỏ thần” làm được.

Cây nỏ của Bảo tàng Lịch sử Quân đội nghe nói bắn được một cây lao bay 100m và với công nghệ của tôi thì cùng năng lượng đó (cùng một lực bắn), cùng cây nỏ đó chỉ bắn 20 mũi tên nhỏ Cổ Loa tức là khối lượng bằng một phần mười cây lao thì mười mũi tên sẽ bay xa gần 500m và nhanh hơn rất nhiều lần cây lao.

“Vì nhiều người trong đó có những người có bằng cấp vẫn chưa hiểu được nguyên lý , tôi sẽ làm cái nỏ to hơn và đề nghị bắn trình diễn để mọi người hiểu mặc dù tôi rất bận. Nỏ thần ngoài việc bắn nhiều mũi tên còn khả năng bắn được xa và mạnh hơn nỏ thường vì bắn được mũi tên nhỏ.

Mũi tên Cổ Loa nhỏ là phát minh cực kỳ quan trọng. Cùng một lực bắn (cùng một động năng) thì mũi tên càng nhỏ, càng bay xa hơn, mạnh hơn mũi tên to dài. Để giết người thì cần 5cm xuyên vào người là đủ, nỏ thường chỉ bắn được một mũi tên to dài vì cần thân mũi tên làm điểm tỳ thu lực bắn, còn nỏ thần bắn được mũi tên nhỏ với động năng như là mũi tên to dài thì tất nhiên phải bay xa hơn mạnh hơn”, KS Vũ Đình Thanh cho biết.

Cơ sở để KS Thanh khẳng định đây chính là nguyên lý hoạt động của chiếc nỏ thần trong truyền thuyết dựa trên những tài liệu còn lưu trữ được đến bây giờ. Đó là mũi tên đào được ở Cổ Loa nhỏ, ngắn chỉ 11cm thôi. Theo KS Thanh thì một suy luận logic là 11cm là quá dài để gắn vào tre hay cau và mũi tên đó là trực tiếp để cho việc bắn từ nỏ.
Việc cho rằng nỏ thần An Dương Vương bắn được nhiều mũi tên liên tục, liên tiếp, bắn xa được không khác gì so với sáng chế hiện tại của ông. Hơn nữa trong các lễ hội rước nỏ ở Cổ Loa trước Cách mạng tháng 8 có hình tượng ống tre phổ biến. Chiếc “nỏ thần” tự sáng chế của KS Thanh cũng có, tất cả các vật liệu để làm nỏ đều sẵn có cách đây 2.300 năm như tre, nứa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ