Cô xếp ở vị trí thứ 23 trong danh sách, với đề án Nghiên cứu tổng hợp vật liệu nano mới để tăng cường hiệu quả của pin nhiên liệu.
Ra đi để trở về
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân từng được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 1998. Ra trường năm 2003, với kết quả học tập tốt, Thanh Vân được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Hóa vô cơ, thuộc khoa Kỹ thuật Hóa học của trường. Sau khi hoàn thành ThS năm 2006, Thanh Vân nhận được học bổng TS toàn phần của ĐH Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan. Tại đây, cô ghi dấu ấn bằng việc công bố 1 bằng sáng chế Mỹ, 1 bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới, và 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60 và trở thành một trong số ít nghiên cứu sinh nhận được bằng TS trước thời hạn (chưa đến 3 năm).
Hoàn thành luận án TS, Thanh Vân được mời ở lại làm việc. Trong thời gian này, cô tiếp tục gặt hái thành công với các dự án lớn về pin, năng lượng mặt trời. Dù nhận được lời mời ở lại làm việc thêm 2 năm nữa nhưng Thanh Vân chọn con đường quay trở về Việt Nam với mong muốn có thể đóng góp một phần nào đó kiến thức đã học vào đào tạo thế hệ trẻ và phát triển của nước nhà. Bởi cô biết rõ tác động của biến đổi khí hậu kinh khủng nhường nào nên cần có giải pháp chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Pin nhiên liệu là một trong những giải pháp năng lượng cần phát triển và thúc đẩy.
"Những nghiên cứu khoa học (NCKH) trong lĩnh vực này có giá trị thực tiễn lớn, tính cấp thiết cao, đóng góp quan trọng trong việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo, từ đó bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Phát triển NCKH năng lượng sạch cũng góp phần đào tạo một thế hệ NCKH trẻ của Việt Nam có kiến thức, tư duy khoa học tốt", Thanh Vân cho biết.
Đam mê, nhiệt huyết sẽ hóa giải khó khăn
Trở về giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực pin nhiên liệu, dù khá thành công ở nước ngoài nhưng bản thân PGS.TS Thanh Vân cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là nguồn kinh phí và trang thiết bị phòng thí nghiệm, các kỹ thuật phân tích hiện đại phục vụ cho hướng nghiên cứu mới còn hạn chế. Một số hóa chất sử dụng cho việc tổng hợp vật liệu phải đặt mua ở nước ngoài; phương pháp đo đạc, phân tích hiện đại phải nhờ trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài. Ngoài ra, mô hình các nhóm nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm thực sự chưa phát triển ở Việt Nam cũng là rào cản để thực hiện các hướng nghiên cứu mới.
Khó khăn là vậy nhưng cô không hề nản lòng, hay nghĩ đến việc bỏ cuộc. Bởi cô luôn tin rằng nếu có sự đam mê, nhiệt huyết và sự cố gắng tìm tòi, mọi cánh cửa khoa học đều mở ra. Do vậy, mỗi lần gặp khó, cô tự nhủ càng phải cố gắng vì nếu bỏ cuộc, Việt Nam sẽ không thể phát triển các hướng nghiên cứu mới, khó hội nhập và bắt kịp xu thế phát triển KHCN của quốc tế. Cũng như không thể đào tạo và truyền đạt các hướng nghiên cứu mới cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, bản thân nhà khoa học cũng rơi vào cảnh lãng phí kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy khi học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.
Trở lại Việt Nam từ tháng 9/2013, đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, giảng dạy và NCKH, đến nay PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí uy tín, chủ trì và tham gia với hơn 10 dự án, đề tài KHCN trong và ngoài nước; đoạt nhiều giải thưởng KHCN quốc gia và quốc tế. Cô cũng đã được Hội đồng chức danh GS Nhà nước xét công nhận PGS năm 2016 lúc 36 tuổi.
"Được vinh danh trong tốp 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2020, là vinh dự không chỉ cho bản thân, nhóm nghiên cứu, nhà trường mà còn là niềm vinh dự cho các nhà khoa học trong việc khẳng định vị thế của khoa học công nghệ ở Việt Nam, châu Á. Kết quả này cũng động viên cho những ai chót đam mê, theo đuổi con đường khoa học, góp sức mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", TS Thanh Vân xúc động nói.
Ba nhà khoa học nữ của Việt Nam được vinh danh trong danh sách bình chọn của Tạp chí Asian Scientist (Singapore): PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM; TS Phạm Thị Thu Hà - Trường ĐH Tôn Đức Thắng và TS Trần Thị Hồng Hạnh - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Cả 3 người đều lọt tốp 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á, là nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019.