PGS.TS Cao Văn Sâm: Các trường nghề cần có cách làm mới để tuyển sinh

GD&TĐ - Năm nay, công tác xét tuyển đại học, cao đẳng có nhiều điểm mới với việc không hạn chế nguyện vọng xét tuyển cho các thí sinh. Nhiều người lo ngại các trường cao đẳng, trung cấp nghề sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Thí sinh và phụ huynh được tư vấn về chọn ngành, chọn trường trong Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017
Thí sinh và phụ huynh được tư vấn về chọn ngành, chọn trường trong Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017

Đây là năm đầu tiên các trường cao đẳng, trung cấp nghề thực hiện tuyển sinh với tư cách là thành viên của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã có những chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại về công tác chỉ đạo, hỗ trợ các trường trong xét tuyển năm nay.

* PGS có nhận xét gì về phổ điểm của Kỳ thi THPT quốc gia 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?

 Thị trường lao động trực tiếp rất rộng, vấn đề là các em có tiếp cận được thông tin đó hay không. Do đó, một mặt chúng tôi chỉ đạo về công tác chuyên môn, mặt khác chúng tôi chỉ đạo các trường cần gắn kết chuyên môn với truyền thông để mọi người hiểu đúng, hiểu đủ. Từ đó xác định mình học cái gì, sau này ra trường làm việc ở đâu.
PGS.TS Cao Văn Sâm

- PGS.TS Cao Văn Sâm: Phổ điểm năm nay có tính phân hóa rõ ràng. Bên cạnh nhiều thí sinh có điểm cao thì cũng có rất nhiều thí sinh đạt điểm ở mức trung bình, mà số thí sinh này chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, các em nên cân nhắc kỹ khi chọn ngành, chọn trường và nên nhìn nhận ở góc độ đào tạo gắn với việc làm để có sự lựa chọn đúng đắn nhất.

* Năm nay các trường cao đẳng, trung cấp nghề trực thuộc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về mặt quản lý Nhà nước. Vậy Tổng cục có hướng dẫn gì đối với các trường trong công tác tuyển sinh?

- PGS.TS Cao Văn Sâm: Năm nay, về mặt quản lý Nhà nước, các trường cao đẳng, trung cấp nghề chuyển sang Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp phụ trách. Mặc dù vậy, công tác tuyển sinh của các trường vẫn được diễn ra bình thường như mọi năm.

Thiết nghĩ, khi các trường thuộc khối trường đào tạo nghề vào chung một mối sẽ tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Từ đó công tác tuyển sinh cho các trường cũng sẽ tốt hơn và đạt yêu cầu đề ra.

Thực tế cho thấy, thị trường lao động đang rất cần nguồn lao động được đào tạo trực tiếp, nhất là nguồn lao động chất lượng cao cho khu công nghệp, khu chế xuất và phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong thời gian qua, Tổng cục đã có nhiều hỗ trợ về chuyên môn cho các trường, nhất là khâu tư vấn xét tuyển. Trước hết, chúng tôi đã quy định trong các văn bản hướng dẫn và phổ biến các kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt chúng tôi phân cấp triệt để cho các trường toàn quyền trong công tác tuyển sinh. Theo đó, các trường có thể tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: Có thể xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa hai hình thức này với nhau, tùy theo nhu cầu của từng ngành, từng nghề, từng trường; mục đích là để phù hợp với điều kiện chọn lựa của các em thí sinh và đáp ứng tốt nhất yêu cầu về trình độ, năng lực, điều kiện học tập của các em.

Trong công tác tuyển sinh, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường phải tư vấn, hướng dẫn rất rõ cho thí sinh và phụ huynh, để họ hiểu rằng: Nếu đăng ký xét tuyển trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì các em sẽ được học tập trong điều kiện như thế nào. Sau khi học xong, các em có thể lập nghiệp ở đâu, mức lương như thế nào và cơ hội thăng tiến của các em ra sao…

PGS.TS Cao Văn Sâm
 PGS.TS Cao Văn Sâm

* Liệu rằng, năm nay các trường nghề có gặp khó khăn trong tuyển sinh hay không – thưa PGS?

- PGS.TS Cao Văn Sâm: Tôi cho rằng, không nên nói là khó khăn hay không khó khăn, quan trọng là chúng ta phải có chiến lược và tìm ra cách thức làm. Theo đó, cần đặc biệt chú trọng đến công tác hướng nghiệp, tư vấn cho các em học sinh, sinh viên. Bởi vì, sản phẩm cuối cùng của quá trình học là việc làm.

Khi đã có việc làm ổn định thì mới có cơ hội để thăng tiến kể cả trong con đường học vấn hay con đường lập nghiệp. Cho nên chúng tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống cũng như các cơ quan chức năng, tăng cường tư vấn cho học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh, để phụ huynh nhìn nhận ra sản phẩm cuối cùng chính là học nghề gắn với lập nghiệp; từ đó tạo sự chuyển hóa dần trong xã hội và đặc biệt là chuyển hóa trong nhận thức của người học.

* Tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn có sự chênh lệch giữa học nghề với học đại học. Vậy PGS có nhận xét gì về thực trạng này?

- PGS.TS Cao Văn Sâm: Tôi cho rằng, chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh và nếu chúng ta cân đối được giữa cung và cầu thì sẽ là tuyệt vời nhất. Nghĩa là các trường đại học, các trường nghề đều phải cố gắng; các trung tâm gáo dục nghề nghiệp cũng phải cố gắng để chúng ta có những thị phần phù hợp với thị phần của nhu cầu lao động.

Chúng ta một mặt vẫn khuyến khích các em có khả năng và điều kiện học trình độ cao hơn để đào tạo nhân tài. Nhưng đồng thời chúng ta vẫn phải khuyến khích và tư vấn cho các em: Chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện, năng lực và trình độ của mình, để khi ra trường các em có việc làm ngay, sớm ổn định và phát triển.

Xin cảm PGS.TS Cao Văn Sâm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ