Thành công trên nhiều phương diện
* Phương thức tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới. Vậy cho đến thời điểm này, PGS nhận định như thế nào về kết quả tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2017?
- PGS.TS Bùi Đức Triệu: Trước đây tôi cũng từng nói: Kỳ tuyển sinh năm nay sẽ diễn ra giống như kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Nhẹ nhàng và hiệu quả. Đúng như dự đoán, có thể nói, đến thời điểm này chúng ta đã có một mùa thi, mùa tuyển sinh thành công trên nhiều phương diện.
Nếu như những năm trước công tác tuyển sinh đợt 1 của các trường thường bị thiếu thí sinh, thì năm nay trong đợt tuyển sinh đầu tiên này đã có 170/322 trường tuyển đủ chỉ tiêu. Đây là thành công lớn của mùa tuyển sinh năm nay.
Với chúng tôi – những người làm trực tiếp về công tác tuyển sinh - nhận thấy: Phương thức tuyển sinh năm nay vô cùng thuận lợi, nhẹ nhàng và tiết kiệm.
Tôi không thấy những trường trong nhóm GX có ý kiến phàn nàn về phương thức tuyển sinh năm nay. Trái lại ai cũng cảm thấy vui vẻ và thở phào nhẹ nhõm vì tuyển sinh năm nay rất nhàn mà hiệu quả cao.
Điều đáng nói là mùa thi năm nay bao gồm cả Kỳ thi THPT Quốc gia và công tác tuyển sinh của các trường đại hộc đã tiết kiệm rất lớn cho gia đình, nhà trường và xã hội.
Nếu như những năm trước, sau khi biết điểm thí sinh ở các nơi ồ ạt về trường đại học để nộp hồ sơ – vừa vất vả, tốn kém cho gia đình mà còn gây áp lực cho thí sinh và nhà trường. Và nếu không may xảy ra sai sót gì thì các em lại phải đến trường để điều chỉnh, bổ sung.
Còn năm nay, các em nộp hồ sơ tại trường THPT và nếu có sai sót, chỉnh sửa gì cũng sẽ được thực hiện ngay tại nơi các em nộp hồ sơ và có thể điều chỉnh theo phương thức online.
Còn đối với các trường đại học thì biết được dữ liệu từ rất sớm nên có thời gian để cân nhắc và chuẩn bị chu đáo hơn. Đặc biệt, phần mềm lọc ảo của nhóm GX và của Bộ GD&ĐT được thực hiện rất tốt, trơn tru và gần như hoàn hảo. Vì thế có thể nói, phương án năm nay thuận lợi cho cả thí sinh và các trường đại học.
* Cơ sở nào mà PGS lại khẳng định mùa thi năm nay tiết kiệm rất lớn cho gia đình và xã hội?
- PGS.TS Bùi Đức Triệu: Đúng là mùa thi năm nay chúng ta đã tiết kiệm được rất lớn không chỉ về vấn đề kinh tế, xã hội mà còn là nguồn nhân lực.
Về kinh tế thì ai cũng biết: Thí sinh năm nay được thi ngay tại địa phương, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đều được thực hiện online. Gia đình không phải vất vả, tốn kém đưa con đi thi ở các tỉnh, thành như những năm trước.
Còn về nhân lực, tôi chỉ đơn cử như ở Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đợt tuyển sinh năm nay chúng tôi huy động đúng 1 tổ chuyên môn gồm 7 thành viên: Hiệu trưởng, Hiệu phó phụ trách, 4 viên chức của phòng đào tạo và 1 viên chức phụ trách công nghệ thông tin. Vậy mà mọi việc vẫn trơn tru, đâu ra đấy.
Trong khi đó những năm trước, vào những ngày này bản tôi phải đến hội trường A làm việc 4 ngày liền và huy động toàn trường cùng chung tay, chung sức làm việc, đấy là chưa kể đến khối phục vụ gián tiếp. Riêng khối làm trực tiếp không dưới 30 người.
Như vậy, mặc dù không có con số chính xác là chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu tiền, nhưng nhìn vào phép so sánh đơn giản nêu trên thì chúng ta cũng có thể hình dung được bài toán tiết kiệm của mùa thi năm nay là như thế nào.
PGS.TS Bùi Đức Triệu: Mùa tuyển sinh năm nay thành công trên nhiều phương diện |
Duy trì phương thức tuyển sinh cho 2 năm sau
* Tuy nhiên, năm nay vẫn có thí sinh điểm cao nhưng bị trượt đại học. Vậy PGS lý giải vấn đề này như thế nào?
- PGS.TS Bùi Đức Triệu: Chúng ta không nên “bới lông tìm vết” và chúng ta càng không thể phủ nhận những ưu điểm của phương thức tuyển sinh năm nay.
Để lý giải điều này, tôi xin được biện dẫn như sau: Nếu so với mọi năm, thì năm nay số thí sinh bị trượt và không đạt được nguyện vọng đã giảm thiểu đáng kể.
Chẳng hạn như: Trước đây có 10 thí sinh điểm cao bị trượt đại học, thì năm còn số này giảm xuống chỉ giảm còn 1 - 2 trường hợp.
Hơn nữa, thí sinh điểm cao mà bị trượt đại học là rất ít, nếu có thường rơi vào khối trường y, các trường quân đội, công an. Mặt khác, cũng phải tìm hiểu và xác minh xem có đúng là các em trượt đại học hay không, hay mới chỉ trượt nguyện vọng 1.
Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng có số ít thí sinh điểm cao trượt đại học. Lý do: Có thể một số em quá chủ quan, tin tưởng vào kết quả thi của mình.
Chẳng hạn như có thí sinh chỉ nộp 1 nguyện vọng vào Trường Đại học Y Hà Nội, ngành y đa khoa (điểm chuẩn năm nay là 29.5) mà không ghi thêm các nguyện vọng cùng ngành y khác với mức điểm thấp hơn của trường này hoặc cùng ngành Y ở các trường đại học khác. Hoặc có những em chỉ đăng ký nguyện vọng ở trường top đầu với các ngành top đầu. Do đó nguy cơ trượt đại học cũng có thể xảy ra….
Liên quan đến câu chuyện cộng điểm ưu tiên khu vực, tôi muốn nói thêm rằng: Đây là chủ trương, chính sách của Nhà nước chứ không phải là chủ trương, chính sách của các trường đại học hay của Bộ GD&ĐT. Vì thế, chúng ta phải thực hiện một các nghiêm túc và đúng quy định.
* Theo PGS, phương thức xét tuyển năm nay có nên tiếp tục duy trì cho năm sau?
- PGS.TS Bùi Đức Triệu: Trước hết, tôi ủng hộ phương thức tuyển sinh năm nay, vì thế việc duy trì phương thức này cho năm 2018 và 2019 là rất cần thiết để đảm bảo tính ổn định. Có thể trong tương lai xa, chúng ta sẽ áp dụng phương thức tiên tiến hơn để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Còn về việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh, nếu có giới hạn về số nguyện vọng xét tuyển đại học thì nên cho các em được quyền đăng ký tối đa không quá 10 nguyện vọng.
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Đức Triệu!