Dữ liệu được đăng trực tuyến cho thấy mức độ kháng thể có thể nhắm vào Detal có thể tăng gấp 5 lần ở những người từ 18 đến 55 tuổi được tiêm liều thứ 3 của vắc xin này.
Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, dữ liệu của Pfizer cho thấy mức độ kháng thể cần để chống lại Delta tăng gấp 11 lần so với sau khi dùng liều thứ 2.
Dữ liệu bao gồm các xét nghiệm trên của 23 người, tuy nhiên hiện nó chưa được xem xét rộng rãi hoặc được công bố.
Việc mức độ kháng thể tăng lên có thực sự tương quan với việc bảo vệ tốt hơn hay không, hoặc sự bảo vệ đó có cần thiết hay không cũng chưa được khẳng định rõ.
Trong cuộc họp báo của công ty, Tiến sĩ Mikael Dolsten, người đứng đầu các hoạt động nghiên cứu, phát triển và y tế toàn cầu cho Pfizer cho rằng dữ liệu mới về liều vắc xin thứ 3 là “đáng khích lệ”.
“Vào thời điểm sự bảo vệ có thể bắt đầu suy yếu, việc tiêm liều thứ 3 hơn 6 tháng sau lần tiêm trước, được ước tính có khả năng tăng hàm lượng kháng thể trung hòa ở những người tham gia nghiên cứu tới 100 lần so với trước khi liều thứ 3.” – ông nói – “Dữ liệu sơ bộ ban đầu này rất đáng khích lệ khi biến thể Delta tiếp tục lan rộng”.
Dữ liệu cũng cho thấy sau liều tiêm thứ 3, mức độ kháng thể cao hơn nhiều so với biến thể virus ban đầu và biến thể Beta phát hiện lần đầu ở Nam Phi.
Ngoài ra, Pfizer và đối tác BioNtech đã công bố dữ liệu mới về an toàn và hiệu quả của vắc xin mà họ sản xuất. Họ cho biết nó có khả năng duy trì bảo vệ trong ít nhất 6 tháng, mặc dù bắt đầu suy giảm một chút vào cuối thời điểm đó.
Trong báo cáo kết quả của thử nghiệm có 44.000 tình nguyện viên tham gia trên khắp thế giới, họ thấy hiệu quả tổng thể của vắc xin là khoảng 91% trong 6 tháng. Hiệu quả của vắc xin chống lại việc bệnh trở nặng là 97%. Tuy nhiên, thông tin này chưa được công bố trên một tạp chí nào.
Dữ liệu trên cũng cho thấy hiệu quả của vắc xin đạt đỉnh hơn 96% từ 1 tuần đến khoảng 2 tháng sau khi tiêm liều thứ 2, sau đó giảm dần xuống còn 83,7% từ 4 đến 6 tháng sau đó, với mức giảm trung bình khoảng 6% trong 2 tháng cuối.