“Pây tái” tháng Bảy, ngày Tết thứ 2 của người Tày - Nùng

GD&TĐ - Nếu như với người Kinh, rằm tháng Bảy được gọi là tết Vu Lan thì với người Tày – Nùng được gọi là “Pây tái”. Đó vừa là thời điểm kết thúc mùa vụ, cũng là ngày tết thứ hai trong năm, thậm chí còn quan trọng hơn cả Tết Nguyên Đán.

Nếp nhà sàn của người Tày.
Nếp nhà sàn của người Tày.

Có lẽ ở nước ta, đồng bào dân tộc Tày – Nùng tập trung đông đúc hơn cả ở 2 tỉnh Lào Cai và Cao Bằng. Có lẽ vì thế mà tập quán văn hoá cũng rõ nét và đậm đặc hơn. Tết “Pây tái” rằm tháng Bảy là một ví dụ điển hình.

“Pây tái” – tết thứ hai

Rằm tháng Bảy là dịp con cái báo hiếu cha mẹ, nhớ ơn tiên tổ.
Rằm tháng Bảy là dịp con cái báo hiếu cha mẹ, nhớ ơn tiên tổ.

Nếu như với người Kinh, rằm tháng Bảy là tết Vu Lan, tức lễ báo hiếu - một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Đại thừa Bắc tông trùng với ngày xá tội vong nhân mà phát xuất từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp “ngạ quỷ”.

Người Tày – Nùng cũng phần nào theo quan niệm tục lệ ấy, cũng là ngày tết thứ hai trong một năm sau Tết Nguyên Đán.

Ngày tết thứ hai, bởi theo quan niệm của dân tộc Tày - Nùng thì đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, với tổ tiên, với những người đã mất. Nhất là tục lệ “Pây tái” là không thể thiếu, để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái của bố mẹ vợ giờ là vợ của mình.

Dịp lễ cũng là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết.

Gọi là tết thứ hai nhưng tầm quan trọng và sự linh thiêng cũng chẳng kém gì Tết cổ truyền. Tầm ngày 13/7 âm lịch, con cháu dù có đi làm ăn xa cũng đã lục tục trở về chuẩn bị cho ngày đại lễ, và bản làng vốn rất hiu hắt bỗng trở nên rộn ràng bởi tiếng nói tiếng cười.

Ngày “Pây tái” càng đến gần, không khí bản làng càng vui nhộn. Trẻ em được diện trong những bộ áo mới, tiếng chày giã bánh, tiếng í ới gọi nhau lên rừng bẻ măng, vớt rêu suối cứ như vọng mãi truyền qua những ngọn đồi cao. Đến muông thú chim chóc trong bản làng cũng như chào đón một ngày tết lớn.

Người cao tuổi nhất trong nhà sẽ phụ trách cúng tế.
Người cao tuổi nhất trong nhà sẽ phụ trách cúng tế.

Rộn ràng đến nhà mẹ cha

Chúng tôi được mời tham dự “Pây tái” tại nhà một người dân tộc Tày tại huyện Bảo Yên (Lào Cai), và dân tộc Nùng tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Tuy là hai dân tộc ở hai tỉnh khác nhau, nhưng tục lệ tương đối giống nhau, có khác chỉ là cung cách cúng lễ tiên tổ và một vài nghi thức ít quan trọng.

Bản Sài, huyện Bảo Yên, một bản xa xôi nằm sâu trong dãy núi Con Voi sừng sững. Người ta nói rằng đó là một bản làng còn giữ được nhiều phong tục nhất của người Tày. Những ngôi nhà sàn theo khuôn mẫu mực thước mà cha ông truyền lại là minh chứng rõ nhất. Mỗi nhà sàn chỉ có một cầu thang cho việc lên xuống, nơi chiếu nghỉ có một hướng vào nhà chính và một hướng vào bếp.

Sáng sớm tinh mơ ngày 14, từ trên nhà sàn nhìn xuống đã thấy từng tốp người lớn dẫn theo trẻ em đi đến nhà ông bà. Trên tay ông bố xách đôi vịt, bà mẹ địu gùi mà trong đó chứa lá bánh. Mấy đứa nhỏ trên tay cầm dây hành tỏi hoặc chúng quàng vào cổ như những vòng hoa.

Mâm cỗ cúng của người Tày ngày rằm tháng Bảy.
Mâm cỗ cúng của người Tày ngày rằm tháng Bảy.

Khi những lời thăm hỏi và bữa trà sáng quần tụ đủ đầy, người chủ nhà phân công con cháu mỗi người một việc. Người thì đi giết gà, người đi giết lợn, người khác đi làm bánh, những đứa trẻ con sẽ phải ngồi yên một chỗ, còn ông cụ trong nhà sẽ sắm sửa nén hương thắp lên ban thờ tổ tiên.

Đây mới chỉ là bữa dạm cho trưa rằm ngày mai. Cho nên các đồ ăn thức uống cũng rất đơn giản. Riêng những con gà giết ra, chủ nhà cất mấy cái thủ trên gác bếp không dùng đến. Tối hôm đó, con cháu sẽ ngủ lại nhà ông bà cha mẹ.

Sáng mười rằm, khi cái sáng vẫn chưa xua nổi cái tối thì những người trong nhà đã lục tục thức dậy. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà vịt inh ỏi, tiếng giã bánh rộn ràng từ khắp bản làng làm tan đi cái im lặng của buổi giao nhau giữa đêm với ngày.

Trong bản, hầu hết các nhà đều mổ lợn cắp nách để làm thịt, mà tất cả phải là lợn cái. Một phần huyết sẽ được lấy riêng để đánh tiết canh. Lòng lợn cũng được chọn riêng một phần ngon nhất đặt trên cỗ cúng. Riêng phần thịt, họ sẽ làm đủ món, từ hấp, luộc cho đến xào, nhưng chỉ riêng món xào là được cho vào mâm cúng gia tiên.

Người Tày cũng đồ xôi, nhưng không phải xôi ngũ sắc hay xôi đỗ mà là xôi lạc rang rắc cùi dừa. Món xôi này khi nấu xong mới được đem ra rắc lạc và cùi dừa vào rồi trộn đều. Riêng bánh “pẻng cuổi” (người Nùng gọi là Pẻng tải) không thể thiếu trong rằm tháng Bảy. Bánh này được gói bằng lá chuối, bên trong có bột gạo nếp và nhân bánh.

Lá chuối rừng sau khi hái về sẽ róc bỏ phần cuống và chọn lá lành, lá được phơi cho gần khô, lau sạch bằng khăn ướt. Phần bột làm bánh là bột gạo nếp được nghiền, nhào với quả chuối khô đã giã nhuyễn. Thường người ta chọn những quả chuối to và chín đều, cắt làm đôi theo chiều dọc rồi đem phơi nắng hoặc sấy trên gác bếp.

Nhân bánh có thịt gà và đỗ xanh, thịt gà được băm nhỏ, xào chín, nêm hạt tiêu, mắm, muối vừa đủ. Đỗ xanh sau khi ngâm nước, đãi vỏ, đồ hoặc nấu chín, sau đó giã cho thật nhuyễn rồi mang đi xào. Sau khi chuẩn bị xong lá bánh, nhân bánh, vỏ bánh, phụ nữ Tày bắt đầu gói. Họ dùng một chút mỡ lợn quết vào lòng bàn tay để bánh không dính. Bánh gói xong được hấp cho đến khi chín tới.

Riêng rượu men lá là thứ không thể thiếu trong cỗ cúng. Những chiếc chén được xếp khít nhau trên mâm theo một vòng cung. Sau khi rót rượu đầy các chén, ông cụ chủ nhà thắp hương rì rầm đại ý mời ông, bà tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe.

Tại xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), nơi cư ngụ của đông đảo bà con dân tộc Nùng cũng đón mừng tết “Pây tái” từ ngày 13/7. Các món ăn trong mâm cỗ cúng rất giống với dân tộc Tày. Tuy nhiên, cách thức chế biến các món và quan niệm có khác nhau đôi chút.

Người Tày giết gà, người Nùng lại thịt vịt. Vịt được tẩm ướp đầy đủ gia vị, nhồi lá mác mật vào bụng vịt rồi khâu lại, phết chút mật ong rồi quay giòn. Họ có câu nói “Tết tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt”. Theo truyền thuyết, vịt được coi là linh vật do Trời phái xuống giúp dân mưa thuận gió hoà, nên thịt vịt là để tưởng nhớ công ơn ấy.

Người Tày làm bánh “pẻng cuổi”, người Nùng gọi là “Pẻng tải”.
Người Tày làm bánh “pẻng cuổi”, người Nùng gọi là “Pẻng tải”.

Tương lai trong 5 cái đầu gà

Đối với người Tày ở bản Sài, vào tết “Pây tái” xem bói bằng đầu gà là một quan niệm có từ lâu đời. Sau bữa cơm, chủ nhà rửa tay bằng rượu rồi lọ mọ xuống bếp, mấy người khác theo sau vẻ rất lo lắng chờ đợi một điều gì đó.

Một xâu đầu gà hun khói, 2 cái từ hôm trước và 3 cái từ sáng sáng mười rằm được ngắm nghía tỉ mỉ đến màu sắc của da của mỏ và hít đến cái mùi. Xong, chủ nhà phán: “Màu đẹp, mùi thơm. Tổ tiên cho biết từ giờ đến cuối năm mọi việc hanh thông, sức khỏe tràn đầy, các hạn nặng không đến”.

Niềm vui như càng nhân đôi đối với bà con dân tộc Tày – Nùng, vào đêm rằm họ thường tụ tập tại nhà văn hoá bản hoặc đến một nhà nào đó hát hò. Không có những điệu múa, không rườm rà nghi thức, họ cùng nhau ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ và chung nhau những cốc rượu đầy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.