Pakistan đối phó với khủng hoảng giáo dục sau lũ lụt

GD&TĐ - Mưa lớn liên tục đã gây lũ lụt nặng nề tại Pakistan, khiến hơn 1.700 người chết và gây thiệt hại hơn 30 tỷ USD.

Trẻ em Pakistan băng qua một 'cây cầu' tạm để đến trường.
Trẻ em Pakistan băng qua một 'cây cầu' tạm để đến trường.

Không chỉ rơi vào tình huống khẩn về nhân đạo, y tế, Pakistan hiện đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng giáo dục.

Khi lũ lụt tàn phá vùng Tây Bắc Pakistan từ cuối tháng 8, cô bé Sinain Bibi, 8 tuổi, sống tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, phải nghỉ học vì trường cùng những cây cầu bị lũ cuốn trôi.

Sau khoảng 2 tháng, em đã được đi học lại nhưng không phải trong ngôi trường khang trang trước đây. Phòng học bây giờ là một chiếc lều tạm nằm bên bờ sông.

Bày tỏ lo lắng về lượng kiến thức bị hổng trong thời gian nghỉ học, Bibi chia sẻ: “Cháu không thể học một bài nào từ khi trận lũ xuất hiện. Cháu thậm chí đã quên những bài học trước khi trường đóng cửa”.

Vào tháng 10, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết lũ lụt làm hư hại hoặc phá hủy hơn 26.600 trường học trên toàn quốc. Ít nhất 7.060 trường được tận dụng làm trại cứu trợ cho những người phải sơ tán.

Việc học tập của hơn 3,5 triệu trẻ em Pakistan bị gián đoạn. Nhiều chuyên gia cảnh báo tỷ lệ học sinh bỏ học sau đợt lũ sẽ tăng cao. Thảm họa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỹ năng đọc, viết và học tập của trẻ khi các em phải rời xa sách vở một thời gian. Chưa kể bên cạnh trường học Pakistan, những cây cầu bị sập còn đường sá sạt lở đã ngăn cản học sinh đến trường.

Đáng chú ý, trước đợt lũ, 22,8 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 16 tuổi, chiếm 44%, đã nghỉ học, đưa Pakistan trở thành quốc gia có số trẻ em không được đến trường cao thứ 2 thế giới.

Bộ Kế hoạch Pakistan dự đoán nước này cần 197 tỷ rupee (khoảng 918 triệu USD) cho việc phục hồi giáo dục. Tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lũ lụt, nhiệm vụ này là thách thức lớn hơn cả, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng, trường lớp bị hư hỏng nặng nề.

Tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đang kêu gọi nguồn kinh phí lẫn các trợ giúp khác cho việc sửa chữa hoặc xây mới cơ sở giáo dục sau lũ lụt. Trong thời gian chờ đợi, trẻ sẽ học trong những căn lều chật hẹp và thiếu điện, nước, phòng tắm và hệ thống sưởi.

Thầy Adnan Khan, giáo viên tại Trường Tiểu học Chính phủ Bair, trăn trở: Khi mùa đông đến, học sinh sẽ không thể chịu được cái lạnh nếu ngồi học trong lều. Phương án này chỉ là phương án tạm thời, không thể coi là kế hoạch trong ngắn hạn.

Thư ký Giáo dục tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Motasim Billah Shah, nhấn mạnh, chính quyền địa phương sẽ “đưa tất cả học sinh bỏ học trở lại trường” như đã làm sau dịch Covid-19.

Chính quyền có kế hoạch sửa chữa hoặc xây mới tất cả 2.000 trường bị tàn phá với chi phí khoảng 45 triệu USD. Thời gian tới, tỉnh dự kiến thuê các tòa nhà làm trường học trong thời gian tu sửa hạ tầng.

Trở lại với cô bé Bibi, em cho biết rất nóng lòng được học tập trong ngôi trường xây mới.

“Em muốn trở thành giáo viên để giúp làng em không còn nữ sinh nào mù chữ”, học sinh Bibi, 8 tuổi, hy vọng.

Theo JT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.