Ôsin dùng chiêu đòi thưởng Tết

GD&TĐ - Không ít gia đình vào dịp áp Tết lại “khóc dở, mếu dở” vì người giúp việc (ôsin) dùng đủ “chiêu trò” để vòi tiền trước khi về nghỉ Tết. Không khỏi bức xúc, nhưng nhiều nhà vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đáp ứng có phần thái quá nhằm giữ chân ôsin để ra Tết họ còn lên đúng hẹn.

Nhiều gia đình chăm sóc con cái phụ thuộc vào người giúp việc
Nhiều gia đình chăm sóc con cái phụ thuộc vào người giúp việc

Muôn kiểu ép chủ

Tết đến không phải cơ quan, đơn vị nào cũng rủng rỉnh để chia thưởng cho cán bộ, người lao động. Tiền thưởng đôi khi chỉ vài ba triệu đồng mang tính động viên, khích lệ. Trong khi đó, giá thuê ôsin mỗi năm chỉ tăng lên chứ không giảm, đồng nghĩa thưởng Tết hàng năm cũng phải tăng theo mới có thể giữ chân được họ. Bởi vậy, chuyện nhiều gia đình neo người, 2 vợ chồng làm công chức mỗi tháng được khoảng 15 triệu đồng, nhưng vẫn phải “bấm bụng” để trả ôsin hàng tháng từ 5 đến 6 triệu đồng không phải là hiếm. Chưa kể việc thưởng Tết cho ôsin nhiều khi còn cao hơn cả tiền cơ quan thưởng cho mình nhằm giữ chân người giúp việc.

Ông, bà nội – ngoại đều ở quê, hai vợ chồng lại đi làm từ sáng sớm tối mới về nên từ khi sinh đứa con thứ hai, chị Nông Thu Trang ở Đào Tấn (Hà Nội) phải thuê người giúp việc để đưa đón con trai và chăm lo nhà cửa cùng cô con gái nhỏ. “Trước khi ký hợp đồng, hai bên đã đồng ý tháng đầu tiên gia đình tôi trả 4,5 triệu đồng, tiếp theo sẽ tăng lên 5 triệu đồng và Tết Dương lịch, Âm lịch sẽ thưởng thêm cùng tiền tàu xe về quê…

Mọi chuyện đang êm ấm, ấy vậy mà mới chỉ ngày 18/12 Âm lịch, cô giúp việc đã nằng nặc đòi về quê. Trong khi đó, biên bản thỏa thuận hai bên đã ký là 27 đến 28 Tết mới được về. Tôi gặng hỏi mãi, mặt cô ta tỉnh khô nói xin nghỉ sớm để đi dọn nhà theo giờ để kiếm nhiều tiền hơn. Rất bực mình, nhưng Tết đến nơi rồi kiếm đâu ra ôsin nên tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” và hứa sẽ thưởng thêm 2 triệu đồng và cho 500 nghìn đồng tiền tàu xe, cùng quà. Lúc đó cô ta mới đồng ý ở lại làm tiếp” – chị Trang nói.

Cũng giống như chị Trang, gia đình anh Nguyễn Mạnh Hà ở Thanh Xuân (Hà Nội) không khỏi bức xúc khi nói về người giúp việc. Anh Hà kể, vợ anh làm cho một công ty nước ngoài tận Hải Dương, sáng đi sớm, tối muộn mới về. Bữa cơm tối thường chỉ có 2 bố con và người giúp việc. Đứa con lớn đã học lớp 6, nên hàng ngày, người giúp việc chỉ dọn nhà cửa và chăm cậu con trai 4 tuổi.

“Cơm nước tôi đều lo cả. Nhưng từ 15 Âm lịch đến nay, chị giúp việc thường bỏ bê công việc, rồi “đá thúng đụng nia”. Tôi gặng hỏi nhưng chị ta không nói năng gì. Bực mình tôi to tiếng hỏi xem có vấn đề gì nó thẳng ra. “Được lời như cởi tấm lòng” chị ta nói một thôi một hồi, muốn nghỉ sớm về quê bán hàng phụ giúp đứa em gái vì cô ta hứa sẽ trả 2 triệu đồng cho 10 ngày bán hàng”, anh Hà kể.

“Nghiến răng” đáp ứng yêu sách

Không thể quên gần Tết năm ngoái, chị Trịnh Thúy Mai (Nam Thành Công, Hà Nội) chia sẻ: “20 tháng Chạp năm ngoái, người giúp việc nhà tôi xin về quê với lý do mẹ chồng ốm nặng không có người chăm. Không những lấy đủ tiền lương, cô ta còn xin ứng trước 4 triệu đồng, nói là nộp viện phí và hứa như “đinh đóng cột” nghỉ sớm nên sẽ lên trước ngày mùng 5 Tết. Thế nhưng, trước ngày hẹn cô ta đã chủ động gọi lên thông báo sẽ không lên làm nữa vì bận việc gia đình. Vợ chồng tôi gặng hỏi mãi, cô ta nói nếu muốn đúng hẹn thì phải tăng lương lên 6,5 triệu/tháng. Rất bực vì bị quay ngoắt 180 độ, nhưng do đang rất cần người vì mùng 6 đã phải đi làm nên đành “nghiến răng” chấp nhận yêu sách để cô ta quay lại”.

Oái oăm hơn trường hợp của chị Mai, chị Chu Ánh Nguyệt (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Khi tôi sinh con được hai tháng, bực mình với ôsin nên định cho nghỉ ngay trước Tết rồi tìm người giúp việc theo tiếng, ra Giêng tính tiếp. Thế nhưng, hỏi một trung tâm giới thiệu việc làm, họ nói giá thuê ôsin thời vụ từ 300.000 - 400.000 đồng/giờ. Bởi vậy, hai vợ chồng đã bàn bạc, “nghiến răng” tăng lương từ 4 triệu lên 5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, hứa sẽ thưởng Tết 2 triệu đồng và cho thêm tiền tàu xe đi lại. Ngoài ra, thỏa thuận nếu làm trong những ngày nghỉ Tết (từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết) sẽ trả 400.000 đồng/ngày. Phải vậy mới giữ được chân họ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ