Từ ngày 19/12 âm lịch, người dân làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hút nước ra khỏi ao, thu hoạch cá chép.
Tân Cổ là làng nghề nổi tiếng về nuôi cá chép đỏ làm "phương tiện" cho ngày ông Công, ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch). Ở đây, hầu như nhà nào cũng có ao bên cạnh nhà để nuôi cá.
Để thu hoạch, các ao cá được rút cạn nước.
Sau đó, chủ ao tạo rãnh nước nhỏ để cá tập trung về một chỗ.
Tiếp đó, họ dùng vợt để vớt cá.
Ông Lê Hữu Thọ (47 tuổi) cho biết thức ăn chủ yếu của loài cá này là rong rêu, sinh vật... nên chi phí thấp. "Nhưng để nuôi được giống cá chép đỏ thì phải mất rất nhiều công chăm sóc. Từ khâu chọn giống đến khâu giữ vệ sinh nguồn nước. Nếu nguồn nước bẩn, cá sẽ bị nấm rồi chết dần", ông nói. Ông Thọ cũng cho hay năm nay gia đình vớt được 5 tạ cá.
Sau khi vớt lên, cá được chăm sóc cẩn thận trong ao nước sạch để chờ thương lái đến mua.
Chủ ao cũng phân loại, loại trung bình và nhỏ sẽ được bán. Những con cá to được giữ làm giống cho năm sau.
Chị Nguyễn Thị Nương (chủ ao cá khác) cho biết năm nay thời tiết thuận lợi nên nhà nào cũng thu hoạch được nhiều. Từ ngày 15 tháng Chạp, thương lái đã đổ về làng đặt hàng. Năm nay, giá cá chép đỏ dao động 100.000 - 120.000/kg (năm ngoái giá cá 150.000-200.000/kg). "Giá cá cao hay thấp thì chúng tôi vẫn không lỗ. Nghề nuôi cá chép đỏ ở quê tôi đã có từ lâu đời. Bà con không thể bỏ được. Những ngày này, người mua cá nhộn nhịp ra vào làng là thấy Tết đã cận kề", chị Nương vui vẻ nói.
Từ 21 - 22 tháp Chạp, cá chép được đóng vào bao nylon, bơm ôxy, đưa đi khắp các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.... Cá chép làng Tân Cổ luôn được thị trường ưa chuộng vì có màu đỏ óng, to đều, không có đốm đen.