Trong bài phát biểu ngày 31 tháng 3 năm 2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thông báo về việc chấm dứt hoạt động của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do doanh nhân nổi tiếng Elon Musk đứng đầu.
Theo người đứng đầu nhà nước, nhiệm kỳ của tỷ phú Musk ở vai trò này chỉ giới hạn trong 130 ngày, do ông là nhân viên chính phủ đặc biệt. Tổng thống Trump giải thích rằng sau thời gian này, Musk sẽ quay lại quản lý các công ty của mình, đặc biệt là Tesla và SpaceX - những doanh nghiệp đòi hỏi sự chú ý liên tục.
"Anh ấy phải điều hành một công ty lớn, và đến một lúc nào đó sẽ quay lại. Tôi dự định sẽ giữ anh ấy lại lâu nhất có thể khi đây là người cực kỳ tài năng, tôi coi trọng những người thông minh, anh ấy thực sự thông minh và làm việc rất tốt", Tổng thống Mỹ phát biểu khi bình luận về sự đóng góp của Musk cho bộ phận này.
Được thành lập theo sáng kiến của ông Trump vào đầu nhiệm kỳ thứ hai, DOGE được hình thành như một cấu trúc nhằm giảm chi tiêu chính phủ và cải thiện hiệu quả của bộ máy liên bang.
Tỷ phú Musk được bổ nhiệm làm người đứng đầu và được trao quyền thực hiện các cải cách quy mô lớn, bao gồm cả việc sa thải và tổ chức lại những phòng ban. Tuy nhiên tính chất tạm thời của vị trí này đã làm dấy lên câu hỏi về triển vọng dài hạn của dự án.
Ông Trump nhấn mạnh rằng giới hạn 130 ngày là yêu cầu tiêu chuẩn đối với tư cách nhân viên đặc biệt, điều này ngăn cản Musk tiếp tục làm việc trong chính phủ một cách lâu dài.
Tổng thống Mỹ bày tỏ sự hài lòng với hiệu suất của DOGE, mặc dù tuyên bố của ông Trump không nêu chi tiết những thành tựu cụ thể mà vị tỷ phú đạt được.

Với thông báo này, tình hình xung quanh DOGE sẽ có bước ngoặt mới. Theo dữ liệu được công bố trên các phương tiện truyền thông Mỹ tính đến đầu tháng 4 năm 2025, bộ này đã khởi xướng việc cắt giảm hàng nghìn nhân viên chính phủ và đóng băng một số hợp đồng trị giá hơn 800 triệu đô la.
Cụ thể, hãng thông tấn Associated Press (AP) đưa tin rằng vào tháng 3, DOGE đã đình chỉ hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), gây ra những phản ứng gay gắt từ Đảng Dân chủ và vụ kiện từ các công đoàn lao động.
Ông Musk cũng đã tiếp cận được hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính vào tháng 2, cho phép tác động đến việc phân phối hàng nghìn tỷ đô la, nhưng động thái này phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật riêng tư.
Các chuyên gia lưu ý rằng sự kết thúc của DOGE có thể không chỉ liên quan đến khung thời gian mà còn vì sự phản kháng ngày càng tăng trong chính quyền và Quốc hội.
Hãng thông tấn NBC News đưa tin vào tháng 3 rằng ông Trump đã hạn chế quyền hạn của Musk sau cuộc đụng độ với các chính khách, khẳng định rằng quyết định cuối cùng về việc cắt giảm thuộc về những bộ trưởng.
Đây là phản ứng trước sự bất bình của một số đảng viên Cộng hòa vì lo ngại ảnh hưởng không đáng có của Musk khi ông ra không có trách nhiệm giải trình chính thức.
Trong khi đó, bản thân Musk vẫn tiếp tục tuyên bố trên nền tảng X của mình rằng DOGE sẽ "thiết lập lại hiệu quả của chính phủ", mặc dù các bài đăng của ông ngày càng đan xen với việc quảng bá các dự án của Tesla và SpaceX, làm dấy lên những lời chỉ trích về xung đột lợi ích.
Tuyên bố của ông Trump đã chấm dứt các cuộc thảo luận về tương lai của DOGE, nhưng vẫn để ngỏ câu hỏi về cách thức những cải cách đã được khởi xướng sẽ thực hiện ra sao sau khi tỷ phú Musk ra đi.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng tổng thống có thể chuyển giao chức năng của bộ này cho các cơ quan khác, nhưng vẫn chưa rõ ai sẽ đảm nhận vai trò trên.
Trong bối cảnh thách thức kinh tế và nợ quốc gia của Hoa Kỳ ngày càng tăng - đã vượt quá 36 nghìn tỷ đô la, việc chấm dứt DOGE được coi là một bước đi mang tính biểu tượng, nhấn mạnh các ưu tiên của ông Trump, nhưng tác động thực tế thì vẫn còn phải chờ xem.