Ông Trump rơi vào thế khó

GD&TĐ - Ngày 13/6, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình diện trước Tòa án liên bang tại Miami, bang Florida, sau khi bị truy tố 37 tội danh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 13/6, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình diện trước Tòa án liên bang tại Miami, bang Florida, sau khi bị truy tố 37 tội danh liên quan đến việc lưu giữ trái phép tài liệu mật và cản trở công lý.

Đây là lần thứ hai ông Trump đối mặt với các cáo buộc hình sự. Hồi cuối tháng 3, ông là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố liên quan đến việc làm giả sổ sách, chứng từ để che giấu thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Trump còn đang đối mặt với các cuộc điều tra về vai trò trong vụ bạo loạn tại đồi Capitol hồi tháng 1/2021 và việc tham gia thay đổi kết quả bầu cử tổng thống ở bang Georgia.

Trong thời gian tòa án liên bang tuyên bố cáo trạng và luận tội hôm 13/6, ông Trump hầu như không nói gì trong khi luật sư đại diện cho cựu Tổng thống luôn mực khẳng định thân chủ của mình không phạm tội. Trước đó, ông Trump cũng nhiều lần khẳng định mình không làm gì sai và cáo buộc cuộc điều tra mang động cơ chính trị.

Bất chấp các bê bối pháp lý, ông Trump vẫn đang là ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa. Hồi đầu tháng 5, kết quả cuộc khảo sát của Washington Post/ABC News chỉ ra, cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden về mức độ ủng hộ. Trong khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden là 36%, giảm từ 42% vào tháng 2, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 44%.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy ông Trump vẫn giành được nhiều sự ủng hộ từ cử tri và các thành viên đảng Cộng hòa, kể cả khi bị truy tố hồi tháng 3. Khoảng 51% thành viên đảng Cộng hòa muốn ông Trump trở thành Tổng thống. Còn theo cuộc thăm dò hồi tháng 4 của USA Today/Suffolk, 2/3 cử tri ủng hộ ông Trump nói rằng tình hình pháp lý của ông không tạo ra bất cứ khác biệt nào trong quan điểm của họ. 27% cho biết điều đó sẽ khiến họ ủng hộ ông hơn.

Trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn là ứng cử viên dẫn đầu và có khả năng cao sẽ trở thành ứng cử viên đại diện của đảng ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, những cáo buộc mới nhất về việc lưu giữ tài liệu mật có thể nghiêm trọng hơn vụ truy tố hồi tháng 3 do vụ việc mới đây thuộc thẩm quyền của tòa án liên bang còn các cáo buộc trước đó chỉ do các cơ quan địa phương tiến hành. Nếu bị kết tội lần này, cựu Tổng thống có thể đối mặt với mức phạt tù tối đa là 20 năm.

Việc ông Trump bị truy tố đồng nghĩa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ bị tác động bởi các cuộc điều tra hoặc cáo buộc hình sự dành cho ứng viên. Nhiều ứng viên khác sẽ tận dụng cơ hội này để tạo tiếng vang mạnh mẽ hơn cho chiến dịch tranh cử của mình còn các cử tri bị dao động. Và liệu đảng Cộng hòa có tiếp tục ủng hộ một cá nhân duy nhất trong cuộc tranh cử mà bản thân cá nhân ấy đang chịu sức ép lớn từ Bộ Tư pháp?

Chưa kể, việc bị truy tố cũng đặt ra câu hỏi về triển vọng chính trị của ông Trump. Từ sau ngày 13/6, Trump sẽ phải trình diện tại tòa án liên bang nhiều hơn trong khi lịch trình tranh cử tổng thống cũng dày đặc không kém.

Ông sẽ bị xao nhãng khi phải tập trung vào việc chứng minh bản thân vô tội và thoát án tù với trọng trách của một ứng cử viên tổng thống được cả nước, thậm chí là thế giới, nhìn vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.