Chuyến thăm bất ngờ
Ông Trump được cho là đang tìm kiếm một số yếu tố tích cực, sau nhiều ngày gây nên sự hỗn loạn về quyết định rút 2.000 lính Mỹ ở Syria, rút một nửa trong số 14.000 lính đặc nhiệm ở Afghanistan và thúc đẩy sự ra đi sớm hơn hai tháng so với đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, xuất phát từ việc ông Mattis đã chỉ trích gay gắt chính sách của Tổng thống.
Phát biểu tại căn cứ không quân Al Asad phía Tây Baghdad, với Đệ nhất phu nhân Melania Trump đứng bên, ông Trump bảo vệ việc rút khỏi Syria và nói rằng, đó là điều nên làm khi đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy vậy, ông cũng tuyên bố, một cách nước đôi: “Sự hiện diện của chúng ta ở Syria không phải là đã kết thúc, mọi khả năng vẫn bỏ ngỏ”. Trước những quân nhân đang mặc trang phục dã chiến trong một khu nhà chứa máy bay của căn cứ Al Asad, ông gợi ý rằng, một số quân nhân có thể sẽ sớm được trở về nhà với gia đình mình.
Như đã nói, quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump đã gây ra sự hỗn loạn ở nước Mỹ cũng như đối với các nước đồng minh trong những ngày qua. Các nhà lập pháp đảng Dân chủ, thậm chí cả từ đảng Cộng hòa, đã lên tiếng chỉ trích về chính sách Syria của ông; nói rằng cuộc chiến chống IS còn lâu mới kết thúc và việc rút quân khiến các đồng minh rơi vào vòng nguy hiểm.
Xoa dịu quân đội
Một trong những người lên tiếng chỉ trích gay gắt nhất là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis - người đã viết một cách thẳng thắn trong lá thư từ chức gửi tới Nhà Trắng hồi tuần trước, rằng quan điểm của ông không phù hợp với Tổng thống, đặc biệt là đối xử với các đồng minh của Hoa Kỳ.
Ông Mattis đã lên kế hoạch từ chức vào cuối tháng 2/2019, nhưng ông Trump đã buộc nhà quân sự kỳ cựu này phải ra đi vào ngày 1/1, sau khi lá thư từ chức được công khai. Điều này mở ra nguy cơ về một sự đối đầu giữa Nhà Trắng với giới quân sự. Trước đó, ông Trump cũng đã không được lòng giới này, vì kể từ khi nhận chức vào tháng 1/2017, ông chưa từng tới thăm một đơn vị quân đội Mỹ nào ở những khu vực xung đột. Sự mất lòng càng lên cao trào khi ông hủy chuyến đi đến nghĩa trang thế chiến thứ nhất ở Pháp vào tháng 11, với lý do là trời mưa.
Mặc dù không có bạo lực toàn diện ở Iraq kể từ khi IS bị đánh tan vào năm ngoái, vẫn có khoảng 5.200 lính đặc nhiệm Mỹ tham gia huấn luyện và cố vấn quân sự cho các lực lượng Iraq trong các chiến dịch thường xuyên được tổ chức để truy quét tàn dư của IS.
Ông Trump đã dành hơn ba giờ ở Iraq, cụ thể hơn là tại căn cứ không quân Al Asad, để trò chuyện với binh lính Mỹ, mà không có bất kỳ cuộc gặp với quan chức Iraq nào. Trên đường trở về Washington, ông đã có khoảng một tiếng rưỡi tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, nơi ông và phu nhân Melania chào hỏi và chụp ảnh với các binh sĩ nơi đây.
Cam kết sự hiện diện lâu dài ở Iraq
Các nguồn tin cho biết, trong chuyến đi bất ngờ tới Baghdad, ông Trump đã có kết hoạch gặp Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi, nhưng cuối cùng họ chỉ nói chuyện qua điện thoại. Theo Văn phòng của Thủ tướng Abdul Mahdi, có một sự bất đồng về cách tiến hành cuộc họp. Các nhà lập pháp của Iraq nói rằng, ông Mahdi đã từ chối yêu cầu của ông Trump về việc tổ chức cuộc gặp tại căn cứ không quân Al Asad.
Trái lại, người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, nói rằng cuộc họp không thể sắp xếp được, do những lo ngại về an ninh và thông báo ngắn về chuyến đi. Nhưng bà cũng cho biết, hai nhà lãnh đạo “đã có một cuộc gọi tuyệt vời; ông Abdul Mahdi đã chấp nhận lời mời của ông Trump tới Nhà Trắng vào năm mới”.
Chuyến thăm không báo trước tới Iraq của ông Trump không phải là ngoại lệ đối với một Tổng thống Mỹ. Trước đó, hai người tiền nhiệm của ông, Tổng thống George W. Bush (đảng Cộng hòa) và Tổng thống Barack Obama (đảng Dân chủ) đều đã có những chuyến thăm bất ngờ tới các đơn vị quân đội Mỹ ở khu vực xung đột. Vì lý do an ninh, các chuyến thăm thường được giữ bí mật cho đến khi Tổng thống đến. Đoàn tháp tùng và bảo vệ cũng rút gọi tối đa. Cụ thể trong chuyến thăm vừa diễn ra của ông Trump, chỉ có một nhóm nhỏ các trợ lý, nhân viên mật vụ và số ít phóng viên trên chiếc Không lực Một bay xuyên đêm từ Washington.
Khi ở Iraq, ông Trump dành phần lớn thời gian để nói chuyện với binh lính, các chỉ huy quân sự và đại sứ Mỹ tại đây. Bà Sarah Sanders, người phát ngôn của Nhà Trắng, cho biết Tổng thống đã đưa ra một kế hoạch mạnh mẽ, cho phép quân đội Mỹ tiếp tục các nhiệm vụ cũng như chiến lược của mình để quét sạch IS. Khác với Syria, ông Trump cho biết, không có kế hoạch rút khỏi Iraq, cũng không có ý định giảm số quân như đối với Afghanistan.