Ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú

GD&TĐ - Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin đối tượng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật. 

Trước đó, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trịnh Xuân Thanh. 
Do Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

* Liên quan đến vụ án, ngày 16/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra (C46), Bộ Công an có văn bản số 397/C46-P12 gửi Cổng TTĐT Chính phủ về việc điều tra mở rộng vụ án Trịnh Xuân Thanh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra mở rộng vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng Công ty PVC).
Ngày 15/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố 5 bị can, bắt tạm giam 4 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can, gồm:

1. Lương Văn Hòa, sinh năm 1980, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC.

2. Lê Xuân Khánh, sinh năm 1976, Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC.

3. Nguyễn Lý Hải, sinh năm 1964, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC (hiện là nhân viên Phòng Kỹ thuật thi công Ban Điều hành Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2).

4. Nguyễn Thành Quỳnh, sinh năm 1973, Giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Miền Trung.

5. Lê Thị Anh Hoa, sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa (Cấm đi khỏi nơi cư trú).

Các bị can trên bị khởi tố về tội Tham ô tài sản, Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, ngày 31/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 2 đối tượng, gồm Đỗ Văn Hồng, sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC-KB; và Nguyễn Mạnh Tiến, sinh năm 1966, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty PVC.

Các bị can trên bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (đồng phạm)" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh

Ngày 8/9/2016, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (số 33-BC/UBKTTW, ngày 7/9/2016), Ban Bí thư đã kết luận 3 nội dung.

Thứ nhất, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Những vi phạm, thua lỗ trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm vi phạm của mình.

Thứ hai, khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe ô tô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, đã gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó của đồng chí là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp".

Thứ ba, ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty; không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 04/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.

Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận các vi phạm, khuyết điểm.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với Trịnh Xuân Thanh.

* Chiều 15/7/2016, tại Phiên họp thứ 7 Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã  tiến hành biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín để xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 do có vi phạm khuyết điểm. Kết quả 100% các thành viên trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia có mặt tại phiên họp nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.