Thiệt hại 672 tỷ đồng
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến – nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và 9 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng vụ án, các bị can Lê Tấn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Nguyễn Thị Thúy – nguyên Kế toán trưởng Sagri bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Có 5 người khác bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”; 2 người bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, Lê Thị Diệp Cẩm – nguyên Phó phòng Nhân sự Sagri bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”. Tổng cộng, vụ án có 19 bị can.
Viện Kiểm sát từng trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án và sau quá trình này, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại trong vụ án được xác định là 672 tỷ đồng theo giá trị tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 7/2019) thay vì chỉ 348 tỷ đồng theo giá trị tại thời gian các bị can phạm tội.
Cáo trạng thể hiện, Sagri là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do UBND TPHCM quản lý. Doanh nghiệp này được giao 3,75ha đất tại khu phố 4, phường Phước Long B thuộc TP Thủ Đức để hợp tác với Tổng Công ty Phong Phú đầu tư dự án nhà ở.
Tháng 4/2017, Lê Tấn Hùng trong vai trò Tổng Giám đốc Sagri gửi văn bản cho UBND TPHCM và Sở Xây dựng đề nghị cho phép Sagri chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú.
Cơ quan truy tố xác định, ông Trần Vĩnh Tuyến khi đó là Phó Chủ tịch thành phố biết việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở này phải thực hiện theo đúng quy định về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp; muốn thoái vốn phải thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo thị trường và các quy định khác của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Giám đốc Trần Trọng Tuấn ký để chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B.
Công ty Phong Phú sau đó mua lại phần vốn góp của Sagri với giá hơn 168 tỷ đồng cùng 20 tỷ đồng lợi thế thương mại, 4 tỷ đồng thuế GTGT, tổng cộng là 192 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định việc mua bán này trái quy định và tại thời điểm khởi tố, dự án có giá hơn 864 tỷ đồng nên Nhà nước bị thiệt hại hơn 672 tỷ đồng (864 tỷ đồng trừ đi hơn 192 tỷ đồng).
Dự án này cũng mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Du lịch “khống” để tham ô
Cũng theo cáo trạng, quyết định cho Sagri thoái vốn của ông Trần Vĩnh Tuyến được ban hành không theo mẫu quy định, không có các mục “tổng mức đầu tư”, “nguồn vốn đầu tư”, “tiến độ thực hiện dự án”. Bản chất việc chuyển nhượng này là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản kèm theo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đây cũng là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Quyết định này tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng và nhóm Sagri tự ý quyết định giá trị dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Quá trình điều tra, ông Tuyến thừa nhận việc cho phép chuyển nhượng Dự án Phước Long B là sai. Ông đồng ý việc này vì: “Nể nang, áp lực về tình cảm, quan hệ”. Ông Tuyến được đánh giá thành khẩn khai báo, trong công tác có nhiều thành tích, đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong vụ, bị can Trần Trọng Tuấn với vai trò Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM bị xác định có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đất đai, biết việc chuyển nhượng dự án của Sagri phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và được thẩm định giá.
Tuy vậy, ông Tuấn vẫn ký tờ trình, đề xuất Trần Vĩnh Tuyến cho Sagri rút khỏi dự án nhà ở khu phố 4. Cáo trạng cho rằng, ông Tuấn không giao Sagri thực hiện xác định giá trị phần tài sản hình thành từ vốn góp làm căn cứ xác định giá trị chuyển nhượng và không đưa ra đấu giá là chưa đảm bảo nguyên tắc thị trường, là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại 672 tỷ đồng.
Ngoài sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án, lãnh đạo Sagri Lê Tấn Hùng còn bị xác định cùng cấp dưới và các Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty Lữ hành Hòa bình quốc tế lập khống 10 hồ sơ hợp đồng cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô hơn 13 tỷ đồng.
Số tiền này được Hùng và các đồng phạm sử dụng, chỉ còn hơn 3 tỷ đồng vẫn do 2 công ty du lịch quản lý, chưa được phân chia.
Đầu năm 2017, khi biết bị thanh tra, Lê Tấn Hùng tiếp tục chỉ đạo cán bộ dưới quyền bàn bạc, thống nhất với các cá nhân tại 2 công ty du lịch trên cùng thực hiện hành vi gian dối để hợp thức hóa hồ sơ, hợp thức dòng tiền nhằm che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Sau đó, một phần số tiền các bị can chiếm đoạt được dùng để tổ chức đưa một số cán bộ Sagri đi du lịch theo các hợp đồng mới ký năm 2017; phần còn lại được hoàn trả lại vào tài khoản của tổng công ty. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đánh giá: “Tình tiết này chỉ được xem xét là việc khắc phục hậu quả”.