Ông Trần Phương Bình tiếp tục bị truy tố

GD&TĐ - Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa ban hành cáo trạng cáo buộc ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) đã chỉ đạo các bị can thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Ông Trần Phương Bình (bìa phải) trong một phiên tòa trước đây. Ảnh: CTV
Ông Trần Phương Bình (bìa phải) trong một phiên tòa trước đây. Ảnh: CTV

Gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng

Cáo trạng của Viện KSND tối cao vừa ban hành, truy tố ông Trần Phương Bình cùng 11 bị can về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ 2007 - 2013, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho DAB 8.827 tỷ đồng. Cụ thể, ông Trần Phương Bình đã vi phạm hoạt động về ngân hàng khi ‘vẽ’ ra các tài sản bảo đảm hoặc nâng khống tài sản bảo đảm cho 4 nhóm khách hàng, gây thiệt hại gần 8.752 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC gây thiệt hại hơn 3.139 tỷ đồng; nhóm M&C gây thiệt hại hơn 3.949 tỷ đồng; nhóm Tân Vạn Hưng gây thiệt hại hơn 1.269 tỷ đồng và Đồng Tiến gây thiệt hại hơn 393,6 tỷ đồng.

Đồng thời, cáo trạng của Viện KSND tối cao cũng cáo buộc hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cựu Tổng Giám đốc DAB. Cụ thể, ông Trần Phương Bình đã nhờ người khác đứng tên vay ở DAB, sau đó chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DAB hơn 75,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan công tố tối cao cáo buộc hành vi phạm tội của ông Trần Phương Bình và đồng phạm liên quan đến khoản vay 3.139 tỷ đồng của nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC, trong đó có trách nhiệm của bị can Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vốn Thái Thịnh) trong việc bồi thường dân sự. 

Theo diễn tiến vụ án, cuối tháng 6/2020, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) hơn 8.800 tỷ đồng (còn gọi là đại án DAB giai đoạn 2).

Tại tòa, đại diện nguyên đơn dân sự DAB đồng ý với tất cả khoản thiệt hại mà cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định. Ngoài ra đại diện DAB còn nêu 9 đề nghị, 5 kiến nghị, qua đó yêu cầu HĐXX và Viện KSND xem xét buộc ông Bình và các cá nhân chịu trách nhiệm bồi thường nhiều khoản tiền khác mà cáo trạng chưa đề cập tới.

Với phần kiến nghị của DAB, HĐXX cho rằng sẽ xem xét phần dân sự và sẽ áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo Bình, sẽ không xem xét phần hình sự đối với bị cáo Bình đối với thiệt hại trong kiến nghị DAB.

Đồng thời, theo cơ quan tố tụng, ông Bình và Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Thị Ngọc Vân (cựu Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐTD DAB) còn bị cho là có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng khi cho nhóm khách hàng vợ chồng Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ vay số tiền lớn.

Theo hồ sơ ban đầu, bà Ngọ quen ông Bình từ những năm 1990 khi ông thành lập DAB (năm 1992) có mời bà góp vốn và về làm việc. Bà Ngọ để bố chồng đứng tên cổ đông sáng lập. Đồng thời, vợ chồng bà thành lập Công ty TNHH Hoàng Lê kinh doanh phân bón, mua bán xuất khẩu gạo, thuốc bảo vệ thực vật.

Từ năm 2006 - 2013 bà Ngọ sử dụng pháp nhân các công ty do bà thành lập để vay và nhờ các cá nhân đứng tên vay thấu chi tại DAB để kinh doanh phân bón, đầu tư hoạt động giáo dục dạy học, mua bán bất động sản và mua bán cổ phiếu. Kết quả điều tra cho thấy, tính đến ngày 24/12/2018, nhóm khách hàng vợ chồng bà Ngọ còn dư nợ tại DAB tổng số hơn 1.500 tỷ đồng gồm 905 tỷ đồng gốc và gần 624 tỷ đồng lãi. 

Một phần cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố ông Trần Phương Bình cùng 11 bị can. Ảnh: N.Y
Một phần cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố ông Trần Phương Bình cùng 11 bị can.     Ảnh: N.Y

Nhiều khoản vay bất minh từ Công ty CP vốn Thái Thịnh?

Tại phiên xét xử sơ thẩm đầu tháng 7/2020, TAND TPHCM đã trả hồ sơ điều tra đối với vụ án, yêu cầu tách hành vi sai phạm của Trần Phương Bình và nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC gây thiệt hại cho DAB hơn 3.000 tỷ đồng trong tổng số thiệt hại hơn 8.800 tỷ đồng, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo cũng như cá nhân, tổ chức liên quan… 

Theo kết luận điều tra, DAB đã cho 3 tổ chức thuộc Công ty CP vốn Thái Thịnh (TCC) vay 4 khoản tổng số hơn 900 tỷ đồng để TTC sử dụng hơn 770 tỷ đồng hoàn trả cho VinaCapital và hơn 125 tỷ đồng cho mục đích khác.

Đến nay, nhóm TTC (gồm: TTC Đà Lạt, Công ty Lâm Viên, Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Thiện Nhân) còn dư nợ 4 khoản tổng số 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, Nguyễn Thiện Nhân và đồng phạm đã bỏ trốn nên không có khả năng hoàn trả cho DAB.

Cụ thể, năm 2007, bị can Nguyễn Thiện Nhân nhờ 11 nhân viên TTC đứng tên vay DAB 11 khoản với tổng số gần 900 tỷ đồng để đầu tư Dự án khu đô thị Vĩnh Thái; tài sản bảo đảm là phần vốn góp của 11 cá nhân này vào Dự án khu đô thị Vĩnh Thái được DAB định giá 1.056 tỷ đồng.

Đến năm 2008, Nguyễn Thiện Nhân sử dụng 6 công ty thuộc Nhóm TTC vay DAB 7 khoản tổng số hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi cho 11 khoản vay của 11 cá nhân nêu trên và 48 tỷ đồng sử dụng mục đích khác, tài sản bảo đảm là Dự án Richland Hill. Sau đó, năm 2009, Nguyễn Thiện Nhân tổ chức, chỉ đạo Nguyễn Thanh Thủy sử dụng Công ty Lê Minh MC (do Thủy làm Chủ tịch HĐQT) vay 442 tỷ đồng của DAB để sử dụng vốn vay sai mục đích.

Sau khi vay tiền của DAB, Công ty Lê Minh MC đã rút vốn khỏi dự án nêu trên thanh lý hợp đồng liên doanh, Nguyễn Thiện Nhân bỏ trốn khỏi nơi cư trú, TTC và Công ty Lê Minh MC đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2010, ông Trần Phương Bình chỉ đạo thuộc cấp phê duyệt cho Công ty CP Lê Minh MC vay 185 tỷ đồng để TTC sử dụng vốn vay sai mục đích.

Từ những căn cứ này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND tiếp tục đề nghị truy tố bị can Trần Phương Bình và 11 bị can khác về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo CQĐT, sai phạm của ông Trần Phương Bình, ông Nguyễn Thiện Nhân và đồng phạm gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 3.139 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện ông Nguyễn Thiện Nhân và một số bị can liên quan đang bỏ trốn khỏi nơi cư trú, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ DAB, chưa làm rõ được việc bàn bạc và thống nhất giữa Nguyễn Thiện Nhân (đối tượng chính) với Trần Phương Bình và những cá nhân liên quan trong việc vay tiền, thế chấp tài sản và sử dụng tiền vay của DAB.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.