Ngày 4/7, trong hội nghị cấp cao của SCO ở New Delhi, nhà lãnh đạo Nga khẳng định, “tổ chức của chúng tôi cam kết chắc chắn hình thành một trật tự thế giới thực sự công bằng và đa cực".
Ngoài ra, ông Putin ghi nhận sự ủng hộ của Nga đối với dự thảo tuyên bố chung, phản ánh các cách tiếp cận thống nhất đối với các vấn đề quốc tế.
"Nga ủng hộ dự thảo tuyên bố New Delhi, trong đó đưa ra các mục tiêu cho sự phát triển toàn diện hơn nữa trong hợp tác của chúng ta" - ông nói.
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh việc triển khai các văn kiện chuẩn bị cho hội nghị cấp cao sẽ góp phần to lớn vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của SCO.
Trước đó, ngày 4/7, trong cuộc họp của SCO tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ ra rằng tổ chức này có thể trở thành tiếng nói quan trọng để cải cách các thể chế toàn cầu.
Về phần mình, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev lưu ý chính quyền ông trong nhiệm kỳ chủ tịch sắp tới sẽ nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế.
SCO được thành lập vào ngày 15/6/2001 bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Sau đó, Ấn Độ và Pakistan đã tham gia.
Các quan sát viên trong tổ chức là Afghanistan, Belarus và Mông Cổ. Ngoài ra, tháng 9/2021, thủ tục kết nạp Iran vào SCO đã được đưa ra và tháng 9/2022, một văn bản đã được thông qua khi bắt đầu thủ tục kết nạp Belarus.
Ngày 29/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ngày càng có nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu tìm cách thiết lập quan hệ với SCO và BRICS (liên minh gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), cũng như trở thành thành viên đầy đủ của các tổ chức này.
Ông nhấn mạnh, Tổng thống Putin trước đó đã chỉ ra tính tất yếu của xu thế hướng tới đa cực trên thế giới, "những người không hiểu điều và không theo xu hướng này" sẽ thua cuộc.