Ông Putin mở rộng quyền lực và sức ảnh hưởng
Cuộc bầu cử Hạ viện hôm 19/9 đã đem lại thắng lợi lớn cho đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev với 3/4 trong tổng số 450 ghế tại Hạ viện, chiếm thế đa số lớn nhất từ trước đến nay.
Chiến thắng áp đảo này đã chứng tỏ niềm tin của người dân Nga dành cho ông Putin. Sau cuộc bầu cử, sức mạnh của ông Putin ngày càng được mở rộng.
Ông Putin đang tính "hồi sinh" KGB - nơi ông từng một thời làm điệp viên trước khi trở thành lãnh đạo Cơ quan An ninh liên bang từ năm 1998-1999.
Theo tờ Kommersant, chính quyền ông Putin đang có kế hoạch “hồi sinh” cơ quan tình báo KGB sau hàng loạt cải tổ lớn với lực lượng an ninh. Theo kế hoạch, Bộ An ninh Quốc gia Nga (MGB) sẽ được thành lập trên cơ sở Cơ quan An ninh liên bang (FSB) hiện tại kết hợp với Cơ quan tình báo đối ngoại (SVR) và Cận vệ quốc gia (FSO). Cơ quan mới này sẽ nắm giữ toàn bộ quyền lực của tất cả những cơ quan trên giống như Ủy ban An ninh Liên xô (KBG).
Theo tiết lộ của Kommersant, MGB sẽ đảm nhiệm các vụ án do Ủy ban điều tra liên bang và Bộ Nội vụ cung cấp, đồng thời giám sát thủ tục hoạt động của cả 2 cơ quan này.
Ngoài ra, theo rất nhiều nguồn tin tin cậy, ông Putin có thể sẽ còn mở rộng quyền lực hơn nữa bằng cách tái tranh cử vào năm 2018. Theo đó, hầu hết các nhà phân tích tình báo đều nghĩ rằng Tổng thống Putin sẽ tái tranh cử như ông đã từng ám chỉ cách đây 3 năm.
Chiến thắng áp đảo của đảng Nước Nga thống nhất sẽ mở đường cho ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018, nếu ông có ý định tham gia cuộc bầu cử đó. Nếu đắc cử, Putin sẽ nắm quyền tổng thống Nga đến năm 2024.
Mặc dù gần đây ông Putin đã tuyên bố rằng còn quá sớm để khẳng định liệu ông có tranh cử tổng thống vào năm 2018 hay không, nhưng nhà phân tích cấp cao Peter Clement, người đứng đầu đơn vị giám sát Nga thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng việc tái tranh cử sẽ là bàn đạp cho nỗ lực tái tranh cử của ông Putin.
Ông Clement nhấn mạnh: “Quan điểm của ông Putin giờ đây là thực hiện điều gì đó để tên tuổi ông được ghi dấu ấn trong lịch sử nước Nga. Nhà lãnh đạo này cũng muốn trở thành người khôi phục sự vĩ đại của Nga và ông tin chắc rằng Moscow cần phải có khả năng cạnh tranh quân sự mạnh mẽ”.
Thêm vào đó, ngân sách chi tiêu Quốc phòng Nga gia tăng dưới thời Tổng thống Putin cũng như sự can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria đã tái khẳng định ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông.
Không những mở rộng quyền lực trong nước, ông Putin còn ngày càng chiếm được thiện cảm của người dân nước Mỹ, nhất là những người ủng hộ đảng Cộng hòa.
Theo các kết quả thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu xã hội YouGov và tạp chí The Economist tiến hành hồi tháng 8/2016, hiện chỉ có 27% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa Mỹ còn có thái độ không tích cực đối với Tổng thống Nga. Đây là bước sụt giảm đáng kể nếu như so với con số 66% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa thiếu thiện cảm với Tổng thống Nga trong 2 năm trước.
Quá trình nghiên cứu của YouGov và The Economist còn cho thấy có đến 85% thành viên đảng Cộng hòa coi Tổng thống Nga Putin là vị thủ lĩnh đầy sức mạnh, trong khi chỉ có 18% có ý kiến tương tự với Tổng thống Mỹ.
Có đến 85% thành viên đảng Cộng hòa coi Tổng thống Nga Putin là vị thủ lĩnh đầy sức mạnh, trong khi chỉ có 18% có ý kiến tương tự với Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, cứ 3 người ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ sắp tới là Donald Trump thì có 1 người có thái độ thiện cảm với Tổng thống Nga Putin.
Điều đáng ngạc nhiên là sự thay đổi đáng kể trong tâm lý của người Mỹ lại diễn ra vào đúng thời điểm mà căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ đã đạt đến mức độ tương tự như thời “Chiến tranh Lạnh”. Theo một số cộng sự thân cận với tỷ phú Donald Trump, chính những mâu thuẫn trong quan hệ Nga-Mỹ đã khiến người Mỹ có thái độ thiện cảm hơn với Tổng thống Putin và quan điểm của ông Putin đối với các vấn đề quốc tế.
Ngoài ra, theo Washington Post, ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ những tuyên bố mang tính chất ca ngợi Tổng thống Nga Putin của ông Donald Trump. Nguyên nhân là do người Mỹ nhận thấy những phẩm chất chính trị vượt trội của ông Putin so với ông Obama?
Washington Post cho biết trong một cuộc thăm dò dư luận xã hội do Quinnipiac University tiến hành năm 2014, khi được đề nghị đánh giá các phẩm chất mạnh mẽ của ông Putin và ông Obama, có đến 57% người được hỏi cho rằng những phẩm chất này có ở Tổng thống Putin, trong khi chỉ 49% cho rằng ông Obama có các phẩm chất này.
Obama "không thích điều này"
Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu cuối cùng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã không quên "nhắc khéo" vị Tổng thống nước Nga Putin và ứng cử viên Tổng thống Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ "sắp về hưu".
Phát biểu lần cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Obama tuyên bố: “Dường như có một cuộc cạnh tranh ngày càng gay cấn giữa chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tự do. Căn cứ vào khó khăn trong việc tạo dựng nền dân chủ thực sự, thật không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người biện luận tương lai ủng hộ những kẻ thích khoe sức mạnh hơn là thể chế dân chủ mạnh mẽ”.
Ông Obama đã có bài phát biểu cuối cùng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trên cương vị tổng thống Mỹ và không quên ngầm nhắc nhở ông Putin.
Ông Obama cũng có ý trách móc việc ông Trump cùng những người ủng hộ từng có phát ngôn ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Có vẻ là sẽ có một cuộc xung đột lớn dần giữa chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa tự do. Và tôi mong mọi người hiểu rằng tôi không phải là người trung lập đối với cuộc xung đột này". Ông cũng cho rằng lối suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm, và "con đường của nền dân chủ đích thực vẫn là con đường tốt hơn".
Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo rằng, nếu Nga “tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng, điều này có thể hun đúc lòng yêu nước tại Nga nhưng theo thời gian sẽ làm giảm đi tầm vóc của nước Nga và biến các khu vực biên giới trở nên kém an toàn”.
Đề cập đến Nga, Tổng thống Obama cho rằng Moscow đang “cố gắng khôi phục vinh quang đã mất thông qua vũ lực”.