431 đại biểu trong tổng số 474 đại biểu có mặt tại hội trường đồng ý miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng nhận được đa số phiếu đồng ý miễn nhiệm.
Quốc hội cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng - Người đảm nhiệm 2 chức danh Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Theo nghị quyết được thông qua sau đó, việc miễn nhiệm sẽ có hiệu lực khi Quốc hội bầu được Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia mới - theo chương trình sẽ có vào sáng mai, 31/3.
Quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia bắt đầu từ lúc 10h30 sáng nay. Sau đó, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày dành cho công tác kiện toàn nhân sự cấp cao, cả Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.
Người đứng đầu Quốc hội lí giải, việc thay đổi nhân sự cấp cao nhằm "đảm bảo công việc của Đảng, Nhà nước được triển khai kịp thời, những người có trách nhiệm được phân công sẽ đảm nhiệm trách nhiệm ngay từ đầu.
Việc miễn nhiệm và bầu mới các chức danh lãnh đạo đều bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ông Nguyễn Sinh Hùng đảm nhận vị trí người đứng đầu Quốc hội từ năm 2011. Trao đổi với báo giới về nhiệm kỳ của mình, ngày 23/3, ông nói: "Tôi không còn gì trăn trở bởi nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo đã hoàn thành".
Ông cũng chia sẻ, việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp 2013 là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo cũng như nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông.
Ông Hùng sinh năm 1946, quê quán Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) là Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội 4 khóa và là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI.
Trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng là Phó thủ tướng thường trực, Bộ trưởng Tài chính, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ...
Các đại biểu bỏ phiếu trong phiên họp chiều 30/3. Ảnh: Ngọc Ý. |
Người được giới thiệu thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1954). Nếu trúng cử, bà Ngân sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.