Ông Nguyễn Đức Chung đã nhúng tay vào vụ Redoxy 3C thế nào?

GD&TĐ - Khi còn cây gậy quyền lực trong tay, ông Nguyễn Đức Chung đã có dấu ấn đậm nét trong phi vụ “bẩn” mua hóa chất Redoxy 3C mong làm sạch nước Hồ Tây.

Ông Nguyễn Đức Chung đã nhúng tay vào vụ Redoxy 3C thế nào?

"Mùi" hóa chất độc quyền

Hôm qua, Cơ quan bảo vệ pháp luật đã chính thức có quyết định khởi tố bị can để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với ông Nguyễn Đức Chung- cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội  và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic) gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỉ đồng.

Liên quan vụ án này, ngày 20/8/2020, Bộ Công an cũng khởi tố ông Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung khi còn ở đỉnh cao quyền lực
Ông Nguyễn Đức Chung khi còn ở đỉnh cao quyền lực

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, tháng 5/2016, đoàn công tác của UBND Hà Nội do một Phó chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu, sang Đức dự triển lãm và tham quan nhà máy của Công ty Watch Water (Đức).

Sau đó một tháng, ông Nguyễn Đức Chung gửi thư mời lãnh đạo Công ty Watch Water sang tham quan. Trong chuyến thăm Hà Nội dịp đó, phía Watch Water đã lấy mẫu nước một số hồ để nghiên cứu. Sau đó, doanh nghiệp này sản xuất hóa chất Redoxy 3C riêng cho Hà Nội.

Ngày 1/8/2016, Công ty Watch Water ký thỏa thuận đồng ý cho Công ty Arktic phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy 3C ở Việt Nam.

Cuối tháng 8/2016, sau khi Công ty Thoát nước có tờ trình, ông Chung đã giao đơn vị này chủ trì xử lý ô nhiễm nước các hồ, đàm phán với đối tác nước ngoài về việc sử dụng Redoxy 3C.

Cũng trong tháng 8/2016, ông Nguyễn Đức Chung đã giao Công ty Thoát nước chủ trì xử lý ô nhiễm tại các hồ, đồng thời mời các chuyên gia và nhà khoa học theo dõi để đánh giá. Theo chỉ đạo của Chung, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội tổ chức đàm phán với Công ty Watch Water làm rõ quy trình sử dụng chất Redoxy 3C.

Cuối năm 2016, sau khi Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo cho phép dùng Redoxy 3C tại các hồ, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm.

Giai đoạn 2016-2019, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã thanh toán gần 138 tỷ đồng để mua hơn 400 tấn Redoxy 3C. Trong đó, 380 tấn chế phẩm đã được sử dụng.

Cơ quan hữu trách nhận định: Lãnh đạo Hà Nội khi sang Đức làm việc, nếu ký trực tiếp với công ty nước ngoài thì rất bình thường. Song, quá trình mua sản phẩm lại ký qua một đại lý khác. Quá trình điều tra xác định việc này gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng.

Về pháp nhân Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic, cơ quan chức năng xác định tháng 11/2015, doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh với 2 thành viên góp vốn là ông Đào Xuân Tấn (người đại diện pháp luật) và ông Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Nguyễn Đức Chung).

Tháng 6/2016, ông Tấn nhượng toàn bộ vốn của mình cho bị can Nguyễn Trường Giang. Đến tháng 7/2016 ông Nguyễn Đức Hạnh cũng chuyển nhượng toàn bộ vốn của mình tại Công ty Arktic cho ông Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng.

Ngày 26/7/2016, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic thay đổi đăng ký doanh nghiệp với 2 thành viên góp vốn là Nguyễn Trường Giang và bà Hằng. Đến tháng 6/2019, Công ty Arktic có 2 thành viên góp vốn là ông Giang và ông Đỗ Xuân Hùng.

Có chiêu trò với chuyên gia Nhật ở sông Tô Lịch?

Việc tìm ra phương pháp làm sạch nước sông Tô Lịch và nhiều ao hồ đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội là mong mỏi bấy lâu của người dân Thủ đô cũng như giới chức Hà Nội.

Giới khoa học cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng không toàn diện, triệt để. Nửa cuối năm 2019, một công ty liên kết với phía đối tác Nhật Bản đưa công nghệ sục khí Nano để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Điểm nhóm chuyên gia đến từ Nhật Bản thử nghiệm công nghệ Nano xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Điểm nhóm chuyên gia đến từ Nhật Bản thử nghiệm công nghệ Nano xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Việc này được các chuyên gia đến từ Nhật Bản làm thí điểm công khai trên một đoạn sông và nhận được sự đón đợi của người dân Thủ đô.

Khi việc thực hiện thí điểm đang gần đến đích và cho kết quả cuối cùng, được truyền thông giám sát đưa tin thì bất ngờ vào trung tuần tháng 7/2019, nước từ Hồ Tây ào ạt được “lệnh” xả ra sông Tô Lịch.

Việc này ngay lập tức cuốn trôi thành quả của nhóm chuyên gia đến từ Nhật Bản.

Nhóm chuyên gia Nhật Bản lội bùn sông Tô Lịch để lắp đặt thiết bị
Nhóm chuyên gia Nhật Bản lội bùn sông Tô Lịch để lắp đặt thiết bị

Cụ thể, trong 2 ngày từ 9 đến 11/7, Công ty thoát nước Hà Nội đã mở một cửa xả từ hồ Tây (vị trí trên phố Trích Sài) để hạ mực nước mặt hồ này và chống ngập, đồng thời tạo dòng chảy làm sạch sông Tô Lịch.

Ngày 15/7, trả lời trên truyền thông, ông Bùi Ngọc Uyên, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: "Việc xả nước hồ Tây là điều tiết nước bình thường theo quy định. Mực nước hồ Tây đang cao hơn quy định nên phải xả chứ không có vấn đề gì".

Khi được hỏi "việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch có ảnh hưởng thế nào đến kết quả thí điểm làm sạch", ông Uyên nói: “Đó là việc của đơn vị thí điểm (nghiên cứu, kết luận - PV). Còn chế độ vận hành hệ thống thoát nước thành phố vẫn theo quy định bình thường. Nước hồ đầy thì phải xả lấy chỗ chứa chuẩn bị mùa mưa”.

Chỉ vài ngày sau khi được thau rửa bằng nước hồ Tây thì nước sông Tô Lịch lại bắt đầu chuyển màu, trở về trạng thái đen kịt như trước đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.