Giấy xác nhận của TS Mai Thanh Quế gửi các cơ quan chức năng vì bị ông Hoàng Xuân Quế “đạo” tới 30% luận án tiến sỹ |
Thật khó hiểu là sau hơn 10 năm, khi bị cho là “đạo” luận án, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế mới biết là mình nộp nhầm.
PGS.TS. Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - tác giả Luận án bảo vệ năm 2003 “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” bị tố “đạo” tới 30% dung lượng luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2002 của TS. Mai Thanh Quế - Học viện Ngân hàng với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”.
Theo kết luận xác minh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc tố cáo trên là đúng sự thật sau khi đối chiếu các Luận án lưu giữ tại Thư viện Quốc gia và tại các cơ sở giáo dục. Tổng cộng Luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có 2.020 câu, bước đầu phát hiện có 662 câu giống ý nguyên luận án của TS. Mai Thanh Quế, chiếm tỷ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu).
Ngoài ra, luận án của PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã sử dụng tới 73 tài liệu tham khảo nhưng chỉ trích dẫn 7 tài liệu, trong đó có 2 trích dẫn nhầm tài liệu. Làm việc với tổ xác minh, TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng đã có bản xác nhận: “Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác”.
Tuy nhiên, trong bản giải trình của mình, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế đã biện minh lý do bản luận án nộp trên các thư viện là bản nộp nhầm (?).
Ngày 10/7/2013, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế đã nộp lên Bộ GD&ĐT một số tài liệu để minh chứng cho việc nộp nhầm Luận án Tiến sỹ của mình gồm: 2 cuốn luận án có xác nhận của 2 thành viên Hội đồng bảo vệ “đây là bản chính thức”, 2 cuốn bản sao luận án không có chữ ký xác nhận của thành viên Hội đồng (1 cuốn có chữ viết của PGS.TS. Hoàng Xuân Quế ghi cuốn luận án này là từ Giáo sư C.C.B là phản biện song không có chữ ký), 1 cuốn bản thảo có chữ ký xác nhận của giáo viên hướng dẫn và 1 giấy xác nhận của cửa hàng photocopy xác nhận in và đóng nhầm luận án cho PGS.TS. Hoàng Xuân Quế cách đây 10 năm (?).
Theo Khoản 3, Điều 5 Nghị định 72/2002/NĐ-CP nêu rõ vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam:“ Thu nhận các xuất bản phẩm lưu chiểu trong nước theo Luật Xuất bản, các luận án tiến sĩ của công dân Việt Nam được bảo vệ ở trong nước và nước ngoài, của công dân nước ngoài được bảo vệ tại Việt Nam;…” Như vậy, mọi luận án TS đều phải nộp tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện có trách nhiệm bảo quản các luận án này.
Bản luận án nộp và bảo quản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam có giá trị pháp lý cao nhất, là bản chính thức cuối cùng. Theo Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD&ĐT và các quy định của Bộ về công tác sau đại học, các nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ phải hoàn thiện Luận án để nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện của cơ sở đào tạo, sau đó được các thư viện xác nhận để hoàn thiện thủ tục cấp bằng tiến sỹ.
Như vậy, các bản luận án được PGS.TS. Hoàng Xuân Quế rõ ràng không có cơ sở pháp lý để cần phải xem xét thẩm định, xác minh xem có phải là bản luận án chính thức hay không!
Thật khó hiểu là sau hơn 10 năm, khi bị cho là “đạo” luận án, PGS.TS. Hoàng Xuân Quế mới biết là mình nộp nhầm. Trong khi đó, từ Luận án được cho là từ “công nghệ” sao chép, ông Hoàng Xuân Quế đã in thành sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” - Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004) để nộp xét phong học hàm Phó Giáo sư năm 2009.
Theo báo Thời báo Doanh nhân