Từ cuối thập niên 80, ca sĩ Tuấn vũ được mệnh danh là Phượng hoàng của dòng nhạc vàng. Sự nghiệp và tiền bạc đang lên như diều gặp gió thì đến cuối những năm 90 Phượng Hoàng Tuấn Vũ phải ngừng "bay" một khoảng thời gian khá dài.
Và đây là lần đầu tiên, Tuấn Vũ chia sẻ những uẩn khúc trong cuộc đời mình với không ít những cay đắng.
Ca sĩ Tuấn Vũ thời trẻ.
Tất cả của một ông hoàng, đều mất sau 1 đêm
- Trong một lần hỏi về anh, nữ danh ca Lệ Thu có nói, đã từng gặp anh trong đoàn người tị nạn ở một hòn đảo ở Malaysia vào năm 1979 nhưng khi đó Tuấn Vũ… chưa là gì cả. Anh có còn nhớ cuộc gặp đó không?
- Tôi nhớ chứ, đó là đảo Polobidong ở Malaysia. Không chỉ có chị Lệ Thu, mà còn có anh Hùng Cường, chị Băng Châu, và có nghe nói là có cả chị Thanh Tuyền nữa.
Vào năm 1979, khi tròn 20 tuổi, tôi theo bà con, khoảng tầm 20 người, trên chuyến tàu vượt biên, tàu bị dạt vào hòn đảo này. Đó là một ốc đảo tách biệt, chứa khoảng 40 ngàn người, chủ yếu là dân tị nạn.
Ở nơi này, liên hệ với bên ngoài chỉ là tàu quốc tế vào tiếp viện đồ ăn, không có buôn bán hay bất cứ một mối quan hệ giao thương nào cả.
Một năm trên đảo tôi làm hộ lý, dọn dẹp trong nhà thương, không có lương, nhưng bù lại, họ cho mình ăn và bồi dưỡng thêm thức ăn ngon.
Thời gian đó, cuộc sống của tôi là chỉ đủ để có cái ăn, không mơ ước, không gì cả.
Bà con của tôi lần lượt trúng trong những lần phỏng vấn và định cư ở các nước khác như Đức, Úc… chỉ tôi là đến đất Mỹ, sau cuộc phỏng vấn đầu năm 1981.
Người bảo lãnh tôi là một cặp vợ chồng già có 2 người con, là chủ một nông trại bò sữa, trong một thành phố rất buồn là Minixota. Họ cho tôi đi học trung học, coi tôi như con và tôn trọng mọi quyết định của tôi. Vừa học, tôi vừa đi làm.
Tuy nhiên, ở một thành phố mưa nhiều, lại không có người đồng hương, đồng ngữ, buồn quá, tôi không chịu được.
Và cuối cùng tôi chuyển đến San Jose tự thuê nhà và kiếm việc làm thợ hàn, tiện kim loại đồng thời làm tráng men cho các thiết bị điện lạnh, trong suốt 2 năm.
- Từ một anh thợ tiện “tung cánh” thành một Phượng hoàng trong làng nhạc hải ngoại là một câu chuyện đầy ngạc nhiên. Nó được bắt đầu như thế nào, hả anh?
Mỗi một giờ tôi làm được 4 đô-la, so với chi tiêu hồi đó, cũng là cao, nên cũng đủ trang trải cho cả việc đi nghe nhạc hàng đêm sau khi trả các loại tiền như tiền nhà, tiền ăn.
Cuối tuần, tôi thường đến các quán cà phê nghe nhạc, rồi có tham gia những đêm hát cho nhau nghe.
Vào năm 1985, trong một night club, ca sĩ Trúc Mai đã phát hiện ra giọng hát của tôi, mời tôi thu chung một bài trong một cuốn băng của chị, cho trung tâm Thanh Lan.
Từ bài hát trong cuốn băng đó, trung tâm Thanh Lan ấn tượng với giọng hát của tôi và khuyên tôi rời San Jose về Xantana-Los ở để tiện cho việc ca hát. Dĩ nhiên đó là một lời khuyên hợp lý vì ở đó người Việt đông, và ca sĩ cũng nhiều.
Về đây, với số tiền dành dụm được trong những tháng ngày làm lụng, tôi đầu tư thực hiện cuốn băng “Gửi về em” bán cho trung tâm Thanh Lan phát hành.
Cuốn đó phát hành khoảng 50 ngàn, và từ đó, nó đưa anh thợ tiện thành một ca sĩ được nhiều người biết đến.
Cuốn kế tiếp tôi hát với Phương Dung có tựa đề “Tình chàng ý thiếp”, rồi từ từ những trung tâm khác như Giáng Ngọc, Người đẹp Bình Dương, Làng văn… mời tôi hát.
Thời Tuấn Vũ nở rộ nhất là trong 5 năm từ 1985 - 1990. Mỗi bài hát tôi thâu với giá 1000 đô la, và mỗi một tháng tôi thâu khoảng trên 20 bài. Số lượng băng của tôi lúc đó cũng là người thâu nhiều nhất và bán được nhiều nhất.
Kiếm được tiền, tôi sắm nhà cửa, xe cộ. Ngôi nhà lúc đó cũng to lớn, khoảng hơn 500 ngàn đô. Cuộc sống gần như đổi đời. Tôi đi diễn Âu Châu và quanh nước Mỹ, đi đâu cũng được chào đón nồng nhiệt.
- Và đến một khoảng thời gian sau khi nổi đình nổi đám, anh ngưng hát trong vòng 4 năm. Nhiều người nói về sự “gãy cánh” của Phượng hoàng là do… ăn chơi. Nhưng người trong cuộc, nếu có một lời giải thích về quá khứ, anh sẽ nói gì?
Tôi ham vui, nên tôi không thể sống một mình. Và tôi cũng là người sống thiên về tình cảm, yêu thích cuộc sống ấm cúng, vui vầy vì từ khi 20 tuổi tôi đã xa nhà và sống một cuộc sống cô đơn với bao người xa kẻ lạ.
Tôi chỉ nghĩ, tiền bạc không thành vấn đề, tình cảm mới là điều quan trọng nhất. Tình cảm vốn là thứ khó kiếm.
Tôi có rất nhiều bạn bè khi mình có được tiếng tăm và tiền bạc, và rồi cuối cùng, tôi bị lừa, cũng là từ những người bạn đó.
Tôi nghĩ mất tiền sẽ không khiến mình trắng tay, nhưng mất niềm tin mới là điều khủng khiếp. Tôi mất hàng triệu đô. Rồi một vài trung tâm băng nhạc nợ tiền tôi, cũng không trả.
Nhà tôi, bạn đứng tên, rồi cuối cùng bạn lật kèo, đẩy tôi ra đường. Số tiền tôi đi làm nhiều quá, không gửi hết nhà băng mà gửi cho bạn.
Tiền lấy, nhà lấy. Một giai đoạn tiếng tăm của người nghệ sĩ, mất trắng do chính điểm yếu của mình-tin người và cần tình cảm.
Cay đắng và hẫng hụt. Mất niềm tin với bạn, tôi bỏ hát, ngưng trong thời gian 4 năm.
- 4 năm cho một sự trừng phạt mình vì sự mất niềm tin quả là một thời gian quá dài. Sự hẫng hụt này là do người bạn đó quá quan trọng với anh, hay chính sự hèn yếu đã cản trở sự đứng dậy sau vấp váp của anh?
Tôi nghĩ với tôi bất cứ một người bạn nào cũng quan trọng. Và điều đó cũng lý giải sao thời gian hẫng hụt của tôi lâu đến thế.
Vì nỗi buồn đó mà tự dằn vặt mình tôi biết là không đáng, nhưng anh biết đấy, tôi là người bỏ gia đình đi từ lúc mới trưởng thành.
Hồi ở nhà ba má rất cưng tôi, có thể nói là cưng nhất. Qua Mỹ, tôi xem bạn như gia đình, để rồi bị như vậy, tôi không thể còn cách nào là tự đày đọa mình như thế.
Bởi vì cái giá nó quá đắt. Không chỉ là niềm tin bị phản bội mà tình cảm bị phản bội.
Thời gian đó tôi ngập trong nỗi buồn và tự tìm đến rượu để trừng phạt mình. Tôi uống. Uống một mình. Uống khi nào cả thế giới xung quanh quay cuồng và mình gục xuống không biết gì nữa thì thôi.
Tôi lang thang nhà một số người bạn, mua rượu hàng lít, đóng cửa phòng lại tự nốc hết ngày này qua ngày khác
Sau 4 năm triền miên, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Nguyên Sa, ca sĩ Lê Uyên… là người nâng tôi dậy.
Anh Lê có nói, trời đã cho em giọng hát thì em phải hát, đừng bỏ cuộc, không có cái gì là mất hẳn miễn là em sống chân thành. Khán giả còn thương em lắm, đừng phụ lòng họ.
Thời gian này để ổn định tinh thần, tôi phải về nhà anh Du Tử Lê ở để quyết làm lại sau một chuỗi thời gian dài gãy đổ niềm tin.
Chị Lê Uyên có phòng trà, kêu tôi về hát lại. Cuộc sống tôi vui hơn. Khán giả vẫn gần gũi và thương tôi.
Và tôi lại tìm được nhiều người bạn mới. Những người lớn tuổi họ coi tôi như là con, là em. Họ cũng không trách những sai lầm trong quá khứ của tôi.
Những tình bạn đúng nghĩa dần đẩy xa những đau buồn trước đây do những người cũ đã lừa lọc, đã phản bội tôi gây ra. Từ sự gục ngã xuống vực sâu, giọng hát tôi nhuốm mùi cay đắng, và tôi cũng dè dặt hơn với mọi thứ.
- Nhưng hôm nay anh ngồi nói chuyện với tôi đây, tôi cảm thấy có dấu hiệu gì để khẳng định đã đánh mất một Tuấn Vũ dễ thương, hồn nhiên và rất tin người đâu?
- Tôi vẫn yêu thương mọi người, vẫn tin cuộc đời, vẫn còn nhiều niềm tin, nhiều niềm vui khác. Tôi kiên quyết vẫn sống không đánh mất mình và chấp nhận những cái giá khác để tin rằng vẫn còn bao điều, bao người chân thành trong cuộc sống này.
Thực tế, sự hồn nhiên của tôi là để sống một cuộc sống chan hòa. Tôi đốt hết mình cho niềm vui của mọi người, còn chuyện buồn phiền, tôi giữ lấy, đêm về nằm suy nghĩ.
Ra đời là phải hồn nhiên, không phải là hồn nhiên đóng kịch. Có những nỗi ám ảnh rất lâu nhưng rồi thời gian cũng xóa đi tất cả.
Giờ đây khi tôi nói chuyện với anh, tôi hoàn toàn thanh thản, không suy nghĩ gì nữa.
Khi đã có tuổi, có lẽ cũng là lúc tôi càng biết trân trọng hơn những giây phút sống nên không đẩy mình vào cay đắng muộn phiền nữa làm gì.
Chấp nhận bỏ vợ để tiếp tục hát.
Vì yêu hát nên chấp nhận chia tay vợ
- Và khi anh trở lại, tìm được trong cuộc sống biết bao điều để yêu, bao người để thương thì cũng là lúc anh đã có một tình yêu để rồi ổn định một gia đình?
Tôi ngoài 30, nghĩ rằng cuộc sống cần một mái ấm, thì tình yêu đến. Tôi lấy vợ, và sống những tháng ngày rất hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc cũng thật ngắn ngủi, kéo dài 8 năm, tức là khi con trai tôi 7 tuổi. Chia tay là do gia đình bên vợ, họ không muốn tôi đi hát.
Vợ tôi lại là con gái một sinh trưởng trong một gia đình người Hoa, nên tiếng nói của gia đình cũng tác động lên cô ấy nhiều lắm.
Gia đình đằng vợ có một cái chợ mi-ni và muốn tôi về quản lý cái chợ đó. Tôi không chịu vì nếu đặt sự lựa chọn giữa ca hát và một cái chợ, tôi sẽ chọn ca hát.
Định mệnh sinh tôi ra là để hát thì nên đi hát thôi. Họ không hiểu điều đó và không thích tôi hát. Vì anh biết đấy, dù có nổi tiếng thì trong mắt họ, vẫn là người Việt hát cho người Việt, chứ họ không hiểu và không cần hiểu.
- Đó có phải là một cái giá quá đắt cho ca hát không? Và nghe có vẻ ngược chiều khi một người đàn ông từng bỏ hát vì mất niềm tin ở bạn, lại có thể bỏ hạnh phúc chỉ vì… hát?
Khó khăn lắm tôi mới quyết định chia tay và khi chia tay rồi, tôi tiếp tục bỏ hát thêm 4 năm nữa.
Đó là khoảng thời gian để tôi lo giải quyết vấn đề con cái, đúng hơn là quyền nuôi con thuộc về ai. Cuối cùng là tôi nuôi con.
4 năm lo cho con không phải là thời gian dài, nó khác 4 năm trước ngập trong nỗi buồn và thời gian trôi chậm chạp thì 4 năm của một người cha ngắn ngủi lắm.
Tôi chăm con bằng hết trách nhiệm của một người cha. Sau cuộc chia tay, tôi vẫn liên lạc với vợ vì những vấn đề của con. Cô ấy giờ vẫn ở một mình.
Tôi bước được trên con đường ca hát đến giờ là tạ ơn khán giả lắm. Chính họ là cánh tay mạnh mẽ vực tôi dậy.
Năm 2000 tôi đi hát lại, chính là thời gian tôi trở về Việt Nam. Từ Sài Gòn tới Hà Nội mà Hà Nội tôi hát nhiều nhất. Một lần nữa tôi được hồi sinh trong tình yêu thương của khán giả quê nhà, điều mà tôi chưa từng được thấy tận mắt.
- Anh vẫn còn ham vui, chạy theo những cuộc vui và không từ chối bất cứ lời mời nào của bạn bè. Như thế, có dễ biến cuộc sống của mình thành một cuộc chơi không có điểm dừng?
Tôi sẽ không bao giờ từ chối những tấm chân tình, sự chân thành. Nhưng điều đó không phải là hàng ngày, và trong công việc, tôi luôn nghiêm túc vì tôi ý thức tôi hát là để trả ơn khán giả, nên phải giữ giọng để hát.
Tôi cũng không quá ham vui vì biết cuộc vui nào cũng tàn. Tôi chỉ bị thuyết phục bởi những người sống có tình người.
Tôi cố gắng sống vui để thời gian trôi qua không quá nặng nề, không quá chậm chạp. Tôi vẫn vô tư, và giờ thì không cho phép mình suy nghĩ nữa.
Bây giờ con tôi đã lớn, tôi cũng đã là một người cha đã có tuổi, nên những gì tuổi trẻ tôi cũng tạm quên. Hai cha con tôi đã có thể đi du lịch khắp nơi.
Với con, tôi là một người cha đã, đang và sẽ làm được mọi điều cho con như bất cứ một người cha nào có thể làm được.
- Giọng hát trời cho khi còn khỏe, để rồi đến một lúc nào đó giọng hát cũng bỏ mình. Con cái cũng có lựa chọn của nó. Bạn bè ai cũng có cuộc sống của họ. Anh có sợ phía trước, con đường một mình anh với bước chân chênh vênh?
Nếu câu hỏi của anh với dụng ý hỏi tôi có đi bước nữa không thì câu trả lời là tôi vẫn yêu nhưng yêu như một người bạn, còn để bước đi trên con đường hạnh phúc với một người phụ nữ thì chắc là thôi.
Ở Mỹ, tôi vẫn sống một mình, tôi không muốn gây tổn thương cho ai và cũng không cho phép mình phải tổn thương vì một điều gì đó. Tôi rất sợ.
Tôi nghĩ, tôi còn niềm tin, có bạn bè, đó là niềm vui của tôi. Đành rằng những tiếng thở dài trong những đêm một mình vẫn chưa bao giờ dứt.
Nhưng anh biết không, tôi rất có tài nấu ăn. Và tôi chỉ nấu cho riêng bạn bè ăn thôi. Khi không còn đi hát nữa, tôi sẽ chăm chút căn nhà của mình và ngồi nấu để mời bạn bè đến thưởng thức.
Tôi không học nấu nướng theo sách vở dù có nghiên cứu nhiều, nhưng tôi lại có công thức của riêng tôi và nếu anh hỏi các nam ca sĩ hải ngoại, ai là người nấu ăn giỏi có lẽ đáp án sẽ là Tuấn Vũ.
Tuy nhiên, nhắc về những mất mát trong cuộc sống cũng như trong hạnh phúc, tôi luôn bị chìm vào một khoảng lặng.
Ví như xem lại những thước phim trong đám tang ba tôi, tôi ngồi khóc và đập đầu vào tường cho máu chảy vì lúc ba mất tôi ở Pháp không về được.
Rồi thăm mộ ba cũng vậy, tôi vẫn thầm trách tôi hoài. Tôi trách rằng tại sao đứa con được ba mẹ yêu quý nhất lại bỏ ra đi để rồi bước chân khi trở về không còn ba nữa.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!