Những buổi ban đầu gian khó
Từ năm 1979, thầy Phụ theo gia đình vào Sóc Trăng. Những năm mới vào, hoàn cảnh gia đình của thầy vô cùng khó khăn. Vợ thầy cũng công tác trong ngành giáo dục Mỹ Tú. Từ nhà đến trường khá xa, đường sá nhỏ và xấu, chủ yếu là đường đất, mưa thì trơn trợt, nắng thì bụi tung mù mịt, phương tiện đi dạy chủ yếu là chiếc xe đạp cà tàng mà theo lời thầy thì “cái gì cũng kêu, chỉ có cái chuông là không kêu mà thôi”.
Lương nhà giáo bấy giờ thấp, vì thế, để nuôi nghề tay phải, hết giờ dạy, vợ chồng thầy trở thành… nông dân, nuôi gà vịt, trồng rau trong vườn cải thiện cuộc sống; mượn đất của người dân làm lúa, trồng màu để có thêm thu nhập, nuôi các con ăn học.
Thầy tâm sự: “Những trường tôi công tác đều thuộc vùng sâu, khó khăn, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Lúc đó vất vả lắm, nhiều giáo viên ở địa phương đã phải bỏ nghề giáo, tìm nghề khác kiếm sống. Còn vợ chồng tôi, đã chọn nghề thì quyết theo nghề. Mình khó, nhiều gia đình nông dân khác còn khó hơn, các em học sinh cũng vì thế mà thiệt thòi trong học tập. Và chúng tôi động viên nhau bám trụ với nghề cho đến bây giờ, coi như cơ bản mình đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Gần 40 năm gắn bó với nghề giáo, công tác ở 3 trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, thầy đã có nhiều đóng góp cho nhà trường, đưa các trường này ngày càng phát triển về mọi mặt, được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia.
Từ năm 1991-2009, Trường PTCS An Ninh B được tách cấp thành Trường THCS An Hiệp và Tiểu học An Hiệp A. Thầy được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hiệp A. Lúc đó, trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phòng học còn tạm bợ, mái lợp bằng fibro xi măng, vách bằng cây lá, trang thiết bị dạy học không nhiều, học sinh chủ yếu là người dân tộc Khmer chưa quan tâm nhiều đến việc học hành.
“Tôi và tập thể hội đồng sư phạm nhà trường đã tìm mọi biện pháp để đưa các em đến trường, duy trì sĩ số, đổi mới phương pháp giảng dạy, gây hứng thú học tập cho các em, tạo niềm tin trong phụ huynh. Kết quả, năm 2008, Trường Tiểu học An Hiệp A được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Ngày đón bằng công nhận, thầy trò, phụ huynh ai cũng rơi nước mắt”, thầy Phụ chia sẻ.
Năm 2009, thầy Đào Phụ được cấp trên điều động về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Ninh D (xã An Ninh, huyện Châu Thành). Về trường, thầy đã chú trọng tập trung xây dựng hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ một đơn vị khó khăn về mọi mặt,
Trường Tiểu học An Ninh D đã vượt lên trở thành một trong những đơn vị có nhiều thành tích nổi bật của huyện, của tỉnh. Năm 2015, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, đồng thời cũng là trường tiểu học đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận đạt cấp độ 3 về công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường học.
Thầy Đào Phụ trao giải thưởng cho học sinh |
Người thuyền trưởng tinh tường
Là người “thuyền trưởng” trong trường, thầy Đào Phụ luôn nêu cao tấm gương tự học, tự sáng tạo, luôn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành tấm gương để các giáo viên, nhân viên noi theo. Thầy là thành viên của tổ mạng lưới của Phòng GD-ĐT huyện, thường xuyên tham gia làm giám khảo trong các kỳ thi Giáo viên giỏi, thanh tra chuyên môn của ngành.
Thầy cũng luôn đổi mới, cải tiến công tác quản lý, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân trong việc tự học, tự rèn, nắm bắt kịp thời, hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học mới, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
Kết quả, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao, số lượng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh hoàn thành lớp học, cấp học tăng lên và giảm số học sinh bỏ học. Nhiều học sinh của trường tham gia và đạt giải trong các kỳ thi như Thi giải Toán, tiếng Việt, tiếng Anh trên Internet; Thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh; Thi Ý tưởng tuổi thơ; Thi chiếc ôtô mơ ước…
Theo thầy Phụ, để đảm bảo chất lượng giáo dục cao, nhà trường chú trọng đến phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Giáo viên phụ trách lớp có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt khả năng của các em học sinh, từ đó phân loại đối tượng học sinh theo từng nhóm giỏi, khá, trung bình hay yếu để đưa ra biện pháp bồi dưỡng phù hợp. Vì thế, kết quả học tập của học sinh ngày càng được nâng lên rõ rệt, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng; tỉ lệ trung bình, yếu giảm nhiều so với trước.
Bên cạnh đó, thầy Phụ cũng phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh tìm nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động của trường như đưa giáo viên đi giao lưu, học hỏi với các trường trong và ngoài huyện, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng.
“Thầy Đào Phụ là người có tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết với nghề, là một cán bộ quản lý tiêu biểu của ngành giáo dục huyện Châu Thành và của tỉnh Sóc Trăng. Thầy là người có nhiều đóng góp, góp phần xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và trường thầy phụ trách là trường đầu tiên của tỉnh đạt cấp độ 3 về công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường học”. - Thầy Nguyễn Thanh Liêm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, nhận xét.