Ông đồ của Vũ Đình Liên: Những bức tranh đầy thổn thức

GD&TĐ - Có thể khẳng định sự tài hoa, tận tụy của người nghệ sĩ không chỉ được đánh giá bằng số lượng những tác phẩm trong gia tài văn chương đồ sộ mà còn ở giá trị của một vài đứa con tinh thần được hết mực nuôi nấng.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Tuy chỉ để lại vài bài thơ ít ỏi nhưng những sinh mệnh nghệ thuật mà Vũ Đình Liên để lại cho đời, đặc biệt là “Ông đồ” đủ để tên tuổi ông lưu danh với đời.

Bức tranh xuân tương phản

Chỉ với bài thơ “Ông đồ” ngũ ngôn ngắn gọn, giản dị, không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng tác giả đã làm sống dậy trong lòng người một niềm thương nhớ, luyến tiếc không nguôi. Đọc bài thơ ta cảm nhận được ở Vũ Đình Liên - một con người có lòng thương người, lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc và luôn ân nghĩa thủy chung.

Vũ Đình Liên là một nhà giáo làm thơ, một nhà giáo giàu lòng trắc ẩn. Giữa lúc Thơ mới đắm chìm trong tình yêu đôi lứa, trong nỗi buồn tuyệt vọng bi thương, trong thế giới siêu thực… thì với tư cách là một người nghệ sĩ chân chính, dù thơ không nhiều, Vũ Đình Liên vẫn tìm cho mình một hướng đi mới với niềm day dứt khôn nguôi, là niềm thương người và lòng hoài cổ.

Thương người trong thơ ông là niềm xót thương, đồng cảm, thấu hiểu với một lớp người đang tàn tạ, bị lãng quên và ruồng bỏ. Lòng hoài cổ trong thơ Vũ Đình Liên là nhớ quá khứ vàng son oanh liệt, nhớ tiếc văn hóa xưa, nhớ tiếc cảnh cũ người xưa. Hai nguồn cảm hứng ấy gặp nhau và kết tinh thành kiệt tác “Ông đồ”.

“Ông đồ” được ra đời năm 1936, trong thời kỳ đầu của phong trào Thơ mới, khi mà văn học, đặc biệt là thi ca Việt Nam có sự phát triển bằng cả thế kỷ chỉ trong ngót 15 năm từ 1932 - 1945.

Lúc ấy, trước làn gió Âu hóa như trận cuồng phong quét khắp đất nước Việt Nam, những phong tục tốt đẹp vốn tồn tại qua hàng thế kỷ nay chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

Cảm khái trước nỗi niềm của cả dân tộc, cả về thân phận của chính mình, Vũ Đình Liên đã sử dụng chất liệu ngôn ngữ tài hoa để vẽ nên những bức tranh xuân tương phản, đối lập nhau, từ đó làm nổi bật cảm xúc của chính người  trong cuộc.

Ông đồ rất bình đạm, hơi cổ điển trong thể thơ năm chữ, giản dị trong lời thơ, lại nói một đề tài xưa cũ mà ai đọc một lần thì đọng lại cả đời nỗi ám ảnh, xót thương. Ông đồ, người theo đòi nghiên bút không thành danh, phải xoay ra bán chữ nuôi thân, viết câu đối thuê trên vỉa hè phố phường Hà Nội vào những ngày Tết đến xuân về. Để mở đầu thi phẩm, Vũ Đình Liên đã khắc họa một bức tranh mùa xuân ấm áp, quen thuộc, truyền thống, hài hòa giữa cảnh và người.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

Cụm từ “hoa đào nở” là một tín hiệu đẹp đẽ báo hiệu xuân đã về. Đường phố hồng tươi sắc đào, hoa nối hoa, nụ nối nụ liên miên, rực rỡ, e ấp. Phố xá tấp nập người lại qua và ông đồ xuất hiện như một sự hiển nhiên, như một quy luật muôn đời “Lại thấy ông đồ già”.

Chữ “già” một phần thể hiện tuổi tác của ông đồ mà một phần đưa ta về với miền xưa cũ, cổ kính, già cỗi của một nền văn hóa xa xưa: Thú vui chơi chữ. Ông đồ cùng “mực tàu giấy đỏ” trở nên rất đỗi thân quen.

Bức tranh mùa xuân với những sắc màu ấm áp, hòa trộn, quấn quýt: Sắc hồng của hoa đào, màu đỏ duyên dáng của giấy điệp, màu đen bí ẩn của mực tàu cùng mái tóc bạc phơ của ông đồ lay động trong gió xuân. Ông đồ trở thành nhân vật trung tâm của bức tranh nhộn nhịp, trong trẻo, truyền thống và ấm áp ấy.

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”

Giữa đám đông đông vui, nhộn nhịp của cảnh sang xuân, ông đồ là một nghệ sĩ đường phố lớn. Không còn đếm xuể “bao nhiêu người” xin chữ ông đồ nữa. Họ tôn vinh, ca ngợi “tấm tắc”, nhỏ to, gật gù tán thưởng. Bởi vì đứng cạnh ông đồ là đứng cạnh những vẻ đẹp văn hóa đã có từ nghìn năm.

Đáp lại tấm lòng công chúng, ông đồ đem tất cả tài năng của mình để thảo những nét như rồng bay phượng múa. Mỗi chữ của ông đồ có lúc nhẹ nhàng, uyển chuyển như “phượng múa’, có lúc mạnh mẽ, uy vũ như “rồng bay”.

Mỗi chữ ấy là một tác phẩm nghệ thuật tỏa sáng tài năng, cốt cách thanh cao, tâm hồn thanh bạch của ông đồ. Với cách ngắt nhịp, đảo nhịp liên tục 3/2; 2/3; 2/3;3/2 cùng nhiều chữ chứa âm “b”, âm “t” đọc lên âm vang như tiếng vỗ tay cổ vũ cho tài năng của “ông đồ”. Với sự ngưỡng mộ đó thì Vũ Đình Liên còn thể hiện một lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chơi câu đối chữ.

Nhưng liệu có bao nhiêu người thuê viết hiểu được ý nghĩ sâu xa của từng câu, từng chữ để mà chia sẻ cái niềm vui, niềm hạnh phúc với người viết ra những câu chữ ấy? Đoạn thơ là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của quá khứ vàng son của ông đồ khi tài năng phát tiết, đám đông tôn vinh, người người cổ vũ, nhà nhà thưởng lãm.

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết mấy đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu”

Điệp ngữ “mỗi” trong “mỗi năm mỗi vắng” đã diễn tả một dòng thời gian bất tận trôi. Trong dòng chảy vô thủy vô chung ấy có cái còn và cái mất. Sự biến mất ấy rất tiếc là thú vui chơi chữ, người mua chữ. Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu?” vang lên như một lời truy vấn lương tâm của thời đại.

Nhưng câu hỏi không có câu trả lời, lọt thỏm trong không gian, đọng lại là nỗi buồn lan tỏa, thấm vào cả đồ nghề của ông đồ. Biện pháp tu từ nhân hóa đã khắc sâu nỗi buồn ấy. Giấy đỏ ngày xưa phất phới, dập dờn trong gió, nay bẽ bàng, buồn bã đến không thắm lên được nữa.

Màu đỏ trở nên màu vô duyên. Mực không còn nhu cầu để bút thấm vào, lắng lại, khô đi, đọng lại thành một khối sầu chứa đựng cả sự tủi nhục của ông đồ nữa. Không có từ bộc lộ cảm xúc của tác giả mà ta thấy được nỗi xót xa, niềm thương cảm và nỗi buồn vô hạn của tác giả.

Ảnh minh họa: Thiên Thanh.
   
  Ảnh minh họa: Thiên Thanh.

Bi kịch lớn của thời đại

Ta càng quý hơn những gì ông luôn trăn trở như trong một bức thư gửi Hoài Thanh, năm 1941, lúc Hoài Thanh đang biên tập cuốn Thi nhân Việt Nam “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình…”. Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên. Những bài thơ hiếm hoi được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ. Hoài niệm ấy cũng là nỗi niềm của nhiều người và bức tranh bằng thơ về Ông đồ vẫn sẽ còn tồn tại với thời gian.

“Ông đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay”

Ông đồ vẫn bó gối ngồi đợi, đường sá vẫn tấp nập người qua lại nhưng không ai nhìn thấy ông đồ, cả bằng mắt và cả trong tư tưởng. Câu thơ như tiếng nấc nghẹn “Qua đường không ai hay” đã khiến ông đồ trở thành người từ cõi hư vô.

Lúc này ông đồ già tội nghiệp phải đối mặt với một bi kịch lớn của thời đại và cả chính mình: Một người già vô dụng cố bám víu cuộc sống để kiếm miếng cơm, manh áo mà bị gạt ra khỏi lề xã hội, một trí thức lỗi thời, một nghệ sĩ hết công chúng như người xưa từng nói:

“Còn duyên kẻ đón người đưa

Hết duyên đi sớm về trưa

mặc lòng”

Hay:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn thì cảnh có vui

bao giờ”

Giờ đây quy luật ấy ứng nghiệm trong bài “Ông đồ”. Nỗi buồn của ông đồ thấm trong cảnh vật.

Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở, của chồi non nhưng thật băn khoăn tại sao lại có lá vàng rơi? Phải chăng hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự già nua, tàn lụi về một thời kỳ, một lớp người trong xã hội và một phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối đỏ ngày Tết giờ cũng trở thành quá khứ.

Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi - một chiếc lá Nho học đã đứt cuống lìa cành, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu, xót xa:

Ngoài giời mưa bụi bay

Giời - đó phải chăng là cách nói dân gian của những người tưởng như đã xa xưa lắm nhưng vẫn luôn hiện hữu. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa.

Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của một lớp người. Tuy đã không còn được người đời yêu mến, trọng vọng nữa nhưng đối với nhà thơ thì hình ảnh này vẫn luôn khắc sâu trong trái tim:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Đào đã nở từ khổ thơ đầu và lặng lẽ có mặt suốt cả khổ thơ. Mở đầu là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường.

Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm Tết để chờ mong một năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng.

Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Không tìm thấy thân xác, nhà thơ cất lời hỏi tìm hồn. Hồn là cõi sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm khảm người Việt. Hai câu thơ đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát.

Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ – những lớp người đã trôi về một miền xa thẳm để rồi thi sĩ hỏi một cách xót xa: Hồn ở đâu bây giờ? Câu hỏi tu từ đặt ra như một lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn màu sắc nhạt phai, tê tái.

Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, kết cấu đầu cuối tương ứng, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, một nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã lùi sâu vào dĩ vãng khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.