Ông đồ già “giữ lửa” thư pháp

GD&TĐ - Kỷ lục gia thư pháp Việt Nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ (73 tuổi), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Huế (TP Huế) là người đam mê nghệ thuật thư pháp và luôn nung nấu nguyện vọng gây dựng lại nghệ thuật tinh hoa thư pháp cho giới trẻ.

Ông đồ Vĩnh Thọ hướng dẫn cách đặt bút khi viết thư pháp
Ông đồ Vĩnh Thọ hướng dẫn cách đặt bút khi viết thư pháp

“Thư pháp không chỉ là bộ môn nghệ thuật, mà đó là cả tâm huyết của người theo đuổi, có tính giáo dục sâu sắc. Nếu có lòng đam mê thì con người sẽ phát hiện được vẻ đẹp tinh hoa trong môn nghệ thuật này” - Ông Thọ chia sẻ.

Thú vui là cơ duyên

Thư pháp gia Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ từng có thời gian dài công tác trong ngành giáo dục, là cán bộ quản lý của một trường THPT ở Huế. 

Đam mê thư pháp từ lâu, nhưng ít ai biết ông cũng có thời gian đáng kể hoạt động cả trong lĩnh vực võ thuật, là huấn luyện viên môn Judo, có nhiều học viên thi đấu đoạt giải cao ở Huế.

Ông chia sẻ, dạy học hay dạy võ là nghề, nhưng thư pháp mới là đam mê của cả đời ông. “Tôi nghiên cứu thư pháp đã lâu, nhưng từ lúc về hưu mới có thời gian dành hết cho môn nghệ thuật này. 

Cái khó là buổi đầu tôi làm quen với thư pháp thì ở Huế, số người am hiểu không còn nhiều, thư pháp cũng mai một dần trên đất cố đô. Điều đó càng thôi thúc tôi cố công tìm tòi, tự luyện là chính, hòng đưa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này trở lại trên đất cố đô”.

Điều thú vị là, người bạn đồng hành cùng ông trong thời gian tìm tòi trong bóng tối (theo cách nói của ông) không ai khác là người vợ, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (hiện bà Thủy cũng là một thành viên có tài năng nổi trội trong Câu lạc bộ Thư pháp Huế nổi tiếng qua bức thư pháp “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim tôi”). 

Hiểu được thư pháp là một chuyện, để đặt bút viết nên thư pháp là chuyện khác hẳn. Giai đoạn này, ông bà đã tốn mất 3 năm trời.

“Tôi luôn đau đáu trong lòng là tại sao mình chưa viết được con chữ. Có thể sáng tác được văn thơ, nhưng tại sao thư pháp lại không. Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng vợ bỏ cả công việc lên tận chùa Huyền Không Sơn Thượng đọc hết những bài thơ bằng thư pháp Việt trên vách đá. 

Lúc ấy, có một chú tiểu đã nói với tôi rằng tại sao thầy không dùng bút lông để viết thư pháp mà lại dùng loại bút bình thường. Tôi ngộ ra vì bấy lâu mình không nghĩ đến điều này, mà cái chính là không ai chỉ dẫn cho cả” - Ông đồ Vĩnh Thọ nhớ lại.

Giữ “lửa” cho niềm đam mê

Những bức thư pháp của thư pháp gia Vĩnh Thọ hầu hết đều là những bài thơ Thiền. Ông quan niệm đó là tinh hoa của chữ Việt và thơ Việt. 

Năm 2000, ông gia nhập Câu lạc bộ Thư pháp Huế, là một trong những thành viên đầu tiên và đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ. 

Với cương vị cũng như tài năng của mình, ông đã có những đóng góp rất lớn vào nghiên cứu nghệ thuật thư pháp Huế nói riêng và của nước nhà nói chung.

Ông Vĩnh Thọ là người Việt Nam đầu tiên sáng tạo ra quyển sách ghi lại truyện thơ Lục Vân Tiên trên vải gấm trắng bằng thư pháp theo chữ song ngữ là chữ Việt và chữ Nôm. 

Cuốn thư pháp thơ Lục Vân Tiên dài 124m, gấp thành từng trang, xếp thành 268 trang được công nhận và ghi vào sách “Những kỉ lục Việt Nam”. 

Tác phẩm cần tới 4 tháng trời mới hoàn thành. Ngoài ra, ông còn sáng tạo ra những tác phẩm thư pháp có giá trị như bài thơ “Không” được diễn tả sắc sảo bằng hình lốc xoáy nhằm thể hiện niềm khắc khoải trong cuộc sống để từ đó tự bản thân ngộ ra lý lẽ cuộc đời và hoàn thiện mình. 

Ông cũng rất tâm đắc với chữ “Ngộ”, chữ “Thọ”… Ông luôn dành tặng chữ cho những ai yêu quý và đam mê thư pháp. Đó là lý do mà ở Huế, nhắc tới ông Vĩnh Thọ, người ta thường gọi bằng cái tên: Ông đồ.

Chưa dừng ở đó, năm 2013, trong cuộc “Hội ngộ ông đồ” lần thứ hai được tổ chức tại Vũng Tàu, ông đồ Vĩnh Thọ cùng những thành viên trong Câu lạc bộ Thư pháp Huế được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận bức thư pháp vải lụa tím dài nhất với chủ đề “Ngàn năm văn hiến”, trong đó ông là người đã đưa ra ý tưởng.

Anh Đức Nhuận (40 tuổi), một thành viên tham gia Câu lạc bộ Thư pháp Huế từ năm 2008 cho biết: “Thầy Vĩnh Thọ là một người sống có nguyên tắc, không coi trọng lợi nhuận tiền bạc, luôn đặt chữ tâm để truyền đạt nghệ thuật thư pháp cho lớp trẻ. 

Mọi đóng góp của thầy đều vì tập thể Câu lạc bộ Thư pháp Huế. Trong những dịp triển lãm, hay Festival tôi gặp những thiếu sót, thắc mắc đều được thầy giúp đỡ tận tình.

Năm 2005, ông đồ Vĩnh Thọ bắt đầu mở lớp dạy thư pháp tại nhà. Những học trò theo học chiếm đa số là sinh viên. Bên cạnh đó, còn có những người lớn tuổi, người hoạt động trong tôn giáo, tu sĩ, tăng ni theo học. 

“Nếu vì mục đích mở lớp vì thu nhập kinh tế thì tôi nghĩ đều đó thật hổ thẹn cho niềm đam mê thư pháp của mình. Điều quan trọng là tôi muốn truyền bá bộ môn thư pháp này, truyền thụ lại những gì tinh tú nhất cho giới trẻ” - Ông chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.