Ông chủ cửa hàng đi nhặt ve chai giúp người khó khăn

GD&TĐ - Mỗi chiều anh Nam lại rong ruổi khắp 5 xã ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) để nhặt từng chiếc vỏ chai rơi trên đường.

Biết được việc làm ý nghĩa của anh Nam (bìa phải), nhiều người dân đã gửi tặng vỏ chai.
Biết được việc làm ý nghĩa của anh Nam (bìa phải), nhiều người dân đã gửi tặng vỏ chai.

Khi số lon chai nhiều lên, các anh lại bán đi để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

Tâm hồn đẹp

Chiều muộn một ngày giữa tháng 9, anh Nguyễn Văn Nam (34 tuổi), ở thôn Thành Lập, xã đảo Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) tất bật đóng cửa hàng tranh ảnh. Anh chuẩn bị sẵn “đồ nghề” gồm bao tải, thùng xốp và xe đạp cho công việc ngoài giờ.

Thời gian qua, người dân làng biển xứ Thanh không còn lạ lẫm với hình ảnh anh thanh niên rong ruổi trên chiếc xe đạp, phía sau ghế ngồi là chiếc thùng xốp, với dòng chữ vừa đủ để nhìn rõ: “Xin tặng cho mình lon chai vỏ nhựa, để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Mình xin cảm ơn ạ!”.

Cứ khoảng 17 giờ, anh Nam lại đạp xe rong ruổi trên khắp các con đường thuộc 5 xã ven biển huyện Hâu Lộc, từ Ngư Lộc sang Hưng Lộc, Đa Lộc, rồi lại vòng về Minh Lộc, Hòa Lộc... Chốc chốc chàng thanh niên lại dừng xe bên lề đường, cặm cụi nhặt từng chiếc lon nhựa bị ai đó lỡ “đánh rơi”, rồi cho vào bao tải trong thùng xốp. Công việc ngoài giờ này của chàng trai xứ Thanh đã diễn ra được gần 2 tháng nay.

“Ban đầu khi làm công việc này, nhiều người cứ bảo mình gàn dở. Nhưng mình mặc kệ, cứ chiều chiều lại tất bật đạp xe nhặt ve chai. Trước hết là để bảo vệ môi trường, sau nữa là để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó trên quê hương”, anh Nam nói.

Vừa dứt lời, anh Nam liền được chủ hàng bún ở thôn Minh Thịnh (xã Hưng Lộc, Hậu Lộc) gọi vào tặng toàn bộ số vỏ chai. Tuy số lần tặng vỏ chai chưa nhiều, song chủ cửa hàng rất tâm đắc với việc làm của chàng trai xã đảo. “Biết việc làm ý nghĩa của Nam, tôi thường dành dụm số vỏ chai của cửa hàng để tặng lại cho cậu ấy. Tôi nghĩ rằng, việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn còn tùy theo khả năng của mình, và việc làm của Nam thực sự thiết thực”, anh Bùi Văn Nam, chủ hàng bún (xã Hưng Lộc) chia sẻ.

Sau hơn một giờ rong ruổi khắp các con đường, chàng trai làng biển xứ Thanh tạm hài lòng với lượng ve chai thu lượm và được tặng hôm nay. Anh Nam buộc số lon chai cẩn thận, chậm rãi đạp xe trở về cửa hàng, khi đó trời cũng bắt đầu nhá nhem tối.

Anh Nam kể, cùng thực hiện công việc này còn có anh Vũ Văn Bảy (37 tuổi), là ngư dân đánh bắt cá cùng địa phương. Hôm nào, người bạn đồng hành bận ra khơi đánh cá, anh Nam vẫn kiên trì với công việc trong thầm lặng.

“Nhiều gia đình và bạn trẻ biết đến việc làm của anh em mình nên thường xuyên tặng lon chai, có gia đình còn gửi tặng cả quần áo mới... Dù thời gian triển khai chưa lâu, song chúng tôi rất vui khi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người”, anh Nam bộc bạch.

Anh Nguyễn Văn Nam nhặt lon chai rơi trên đường tại xã Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Anh Nguyễn Văn Nam nhặt lon chai rơi trên đường tại xã Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Sẻ chia trong thầm lặng

Đến nay, đã có gần chục gia đình khó khăn tại huyện Hậu Lộc được anh Nam và bạn giúp đỡ từ chính số tiền bán ve chai. Đáng chú ý, nhiều hoàn cảnh được các anh giúp đỡ thường xuyên.

“Những gia đình ốm đau, bệnh tật hoặc không may bị tai nạn giao thông, chúng mình thường giúp đỡ bằng tiền mặt. Với những hoàn cảnh khó khăn khác, chúng mình thường hỗ trợ gạo, đôi khi là dầu ăn hay chai nước mắm... Tuy không nhiều, song mình hy vọng có thể hỗ trợ họ phần nào trong lúc nguy nan”, anh Nam trải lòng.

Ngoài tiền thu lượm ve chai, anh Nam còn nhiều lần bỏ tiền túi giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Có những hoàn cảnh éo le khiến chàng trai làng biển xứ Thanh không khỏi ám ảnh, như gia đình chị Hoàng Thị Thanh (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc). Chị Thanh vừa phải nuôi chồng và con gái mắc bệnh tâm thần, vừa chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. Thu nhập của cả nhà chỉ có vài chục nghìn đồng mỗi ngày từ công việc bện dây cói thuê. Thi thoảng chị cũng được người ta thuê bóc tôm, song công việc cũng không đều đặn.

“Anh Nam cũng nhiều lần giúp đỡ gia đình tôi. Có lần anh ấy giúp đỡ bằng tiền mặt, lần thì anh tặng sữa tươi, quần áo và gạo ăn. Được nhận sự hỗ trợ trong lúc khó khăn, tôi vô cùng cảm kích”, chị Thanh nói.

Hiện tại, anh Nam đang thuê cửa hàng bán tranh ảnh tại địa phương, với doanh thu hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy cửa hàng không rộng rãi, song bên ngoài cửa hàng, chàng trai xứ Thanh chu đáo đặt một bình nước uống miễn phí dành cho những hoàn cảnh khó khăn.

“Mình hy vọng công việc ổn định hơn để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa những mảnh đời khốn khó. Thời gian tới, chúng mình sẽ tiếp tục nhặt ve chai để hỗ trợ các gia đình khó khăn trên quê hương mình”, anh Nam tâm sự.

Theo ông Trần Văn Sỹ - Trưởng thôn Thành Lập (xã Ngư Lộc), ngoài nhặt ve chai, Nam còn đổi nước sạch miễn phí cho những hộ gia đình khó khăn. Thời điểm địa phương bị cắt điện luân phiên, nhiều gia đình đã được nhận nước sạch từ gia đình Nam. “Tôi thấy đây là việc làm rất ý nghĩa. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng anh ấy vẫn bỏ công sức đi nhặt ve chai bán lấy tiền để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó”, ông Sỹ nói.

“Việc làm của Nam hoàn toàn tự nguyện, rất thiết thực và ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, Đoàn xã cũng duy trì tổ chức cho đoàn viên lượm ve chai giúp đỡ học sinh nghèo và các gia đình khó khăn tại địa phương”, anh Hoàng Ngọc Dương - Bí thư Đoàn xã Ngư Lộc nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đại lý Hafele Huế cửa hàng ở đâuCơ sở thu mua phế liệu Long AnThu mua phế liệu nhôm