Ông chồng “hâm tỉ độ“

Mỗi khi có người thốt lên: “Hâm à? Sao lại chấp nhận ở nhà chăm con như thế?”, anh Thắng đều cười đáp: “Ừ, hâm thật rồi!”.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thắng và Huệ cưới nhau cũng được gần 5 năm, con gái của 2 người đã lên 3 tuổi. Tự bản thân vợ chồng anh thấy mọi thứ đều rất ổn, nhưng người ngoài nhìn vào thì chẳng ai là không bảo Thắng dở hơi, là hâm “tỉ độ” cả. Nguồn cơn của những lời đàm tiếu đó xuất phát từ chính lí do: Thắng xung phong bỏ việc ở nhà tề gia nội trợ cho vợ ra ngoài xông pha bon chen kiếm tiền!

Hồi mới cưới, Huệ làm cho một công ty nước ngoài, bận rộn nhưng kiếm tiền cũng khá. Thắng là nhân viên hành chính, sáng cắp cặp đi, chiều chiều cắp cặp về, khá nhàn hạ và đủng đỉnh, nhưng lương vừa cầm tới tay thì thanh toán mấy cái hóa đơn điện, nước, mạng… trong nhà cũng đủ hết veo. Khi Huệ sinh con, ông bà nội ngoại đều chỉ đến trông hộ được ít ngày, còn lại toàn 2 vợ chồng phải tự vật lộn. Lúc Huệ đi làm lại thì đành thuê người trông trẻ tại nhà. Nhưng lúc này các vấn đề bắt đầu nảy sinh ngày một nhiều: không yên tâm khi giao con vẫn còn quá nhỏ cho người trông trẻ cả ngày trời, chi phí bỏ ra để thuê người cũng chiếm một khoản không nhỏ.

Thắng và Huệ nghĩ nhiều lắm, cuối cùng Thắng hạ quyết tâm, anh sẽ nghỉ việc ở nhà chăm con, nội trợ cho Huệ yên tâm làm việc. Anh đi làm tuy không vất vả, nhưng cũng phải vắng nhà từ sáng tới tối, mà lương chỉ đủ trả cho người trông con. Giờ anh muốn kiếm công việc tốt hơn cũng không thể trong ngày một ngày hai là làm được, trong khi đó, công việc của Huệ đang tốt, vì thế anh ở nhà sẽ vừa tiết kiệm chi phí, con cũng được chăm sóc cẩn thận hơn. Nghe chồng nói có lí, Huệ liền đồng ý.

Thế là từ ấy nhà Thắng một người ra ngoài kiếm tiền, một người ở nhà nội trợ, trông con - mô hình cũng giống như khá nhiều gia đình khác, chỉ có điều ở nhà anh có sự đổi vai giữa vợ và chồng mà thôi. Mỗi khi Huệ đi làm về nhà đều có cơm ngon canh ngọt, nhà cửa gọn gàng, con gái thơm tho, no bụng đón chờ. 

Cũng chính vì thế mà Thắng bị mọi người gán cho cái mác “hâm nặng”, hâm “tỉ độ”. Này nhé, đàn ông là phải xông pha ngoài xã hội, tự chọn cho mình con đường ở nhà chăm con coi như là hết thuốc chữa, chẳng có chút ý chí nào gọi là có. Cả ngày quay cuồng với sữa bỉm, phân và nước tiểu của con, rồi mùi thức ăn không chỉ làm hình tượng người đàn ông bị giảm sút nghiêm trọng mà còn bị vợ coi thường, khinh bỉ. Thế rồi vợ ra ngoài, nhìn thấy ngoài đường nhan nhản những anh chàng tài giỏi, kiếm tiền như nước, chẳng mấy mà sẽ chán ngấy lão chồng vô dụng ở nhà cho mà xem!

Một số gã xấu bụng còn thủ thỉ với anh Thắng: “Mày hâm thật! Việc nhàn nhã thì sao, kiếm ít tiền thì sao, cũng là việc cả. Ra ngoài mà rong chơi thảnh thơi, hết giờ làm đi bù khú với bạn bè, không sướng à, vẫn có lí do chính đáng là đi làm cơ mà! Vợ làm công ty nước ngoài thu nhập khá chứ gì, cứ để vợ kiếm tiền thuê ô sin, thời đại này đâu nhất thiết phải đàn ông làm trụ cột. Mình vẫn đi làm cơ mà, miễn không ở nhà nằm dài chơi suông là được, còn không kiếm ra tiền thì là tại công việc chứ đâu phải tại mình! Vợ kêu ca thì bảo cho anh thời gian, rồi anh sẽ tìm công việc khác khá hơn. Chẳng vợ nào nằng nặc bắt mình ở nhà chăm con đâu mà, tự dưng lại đi ôm vào người, không hâm ‘tỉ độ’ thì còn là gì nữa!”.

Trước những lời ong tiếng ve đó, anh Thắng chỉ cười cho qua chuyện. Thực ra để đi đến quyết định đó, anh cũng đã phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Anh là đàn ông, tất nhiên không bao giờ muốn bó buộc mình với 4 bức tường, với con nhỏ và việc nhà, cũng muốn làm những công to việc lớn, gánh vác trọng trách trong nhà chứ. Nhưng ở trong hoàn cảnh vợ chồng anh lúc ấy, cũng chỉ có cách như vậy mới là ổn thỏa nhất. Anh không thể ích kỉ bắt vợ 1 mình cực nhọc kiếm tiền chi tiêu cho cả gia đình, lại càng không thể đề nghị vợ nghỉ việc ở nhà, vì sức anh lúc ấy làm sao lo nổi cho vợ con. Thôi thì ai nói gì thì nói, anh thấy đó là việc nên làm, không thấy hổ thẹn với lương tâm là được!

Ở nhà “ăn bám” vợ tới khi con gái tròn 1 tuổi thì anh Thắng liền bắt tay vào kinh doanh online tại nhà. Ban đầu không tránh được khó khăn, nhưng rồi việc làm ăn của anh cũng dần có khởi sắc. Nhờ đó, anh Thắng tuy ở nhà nhưng vẫn có thêm thu nhập phụ giúp vợ, khiến đời sống kinh tế gia đình anh không những dễ thở hơn mà còn có tiền dư để tiết kiệm. Vì anh làm việc tại nhà, nên con gái lên 2 tuổi mà anh vẫn không đưa đi gửi trẻ như những nhà khác, ở nhà do tự tay anh chăm sóc ắt hẳn sẽ yên tâm hơn nhiều.

Cho tới tận bây giờ, nhiều người không hiểu chuyện vẫn nghĩ anh Thắng toàn nằm dài ở nhà đợi vợ nuôi, nhưng anh cũng lười giải thích. Mỗi khi có người thốt lên: “Hâm à? Sao lại chấp nhận ở nhà chăm con như thế?”, anh đều cười đáp: “Ừ, hâm thật rồi!”. Còn đối với Huệ, cô chẳng những không coi nhẹ chồng mình mà còn ngày yêu thương và trân trọng anh hơn, bởi trên đời này có mấy người đàn ông chịu hi sinh vì vợ con và suy nghĩ sâu sắc được như anh! Ra ngoài đường, cho dù thấy rất nhiều người đàn ông thành đạt, cô cũng chẳng mảy may rung động, bởi trong lòng cô hình ảnh người chồng ở nhà nội trợ, trông con đã chiếm trọn rồi còn đâu!

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...