Tang lễ của ông tổ chức tại tư gia ở quận Tân Bình, TP HCM. Lễ động quan diễn ra sáng 25/6.
NSND Bạch Tuyết xót xa khi hay tin ông bầu đoàn cải lương một thời bà làm đào chánh qua đời. Thập niên 1960, Bạch Tuyết đầu quân về đoàn Dạ Lý Hương và bắt đầu biết đến Bầu Xuân (cách gọi thân mật của các nghệ sĩ dành cho ông).
Lúc đó, bà và các nghệ sĩ chủ yếu làm việc với ông Hiếu - phó đoàn, song trong ký ức của Bạch Tuyết, bà vẫn nhớ rõ ông Xuân luôn hết lòng vì nghệ sĩ, quan tâm đến nhân viên trong đoàn từng bữa cơm, ly nước.
Bạch Tuyết bên Bầu Xuân trong một lần thăm chùa Nghệ sĩ. |
Theo Bạch Tuyết, Bầu Xuân là người có tầm nhìn sâu rộng, bao quát được thị hiếu của khán giả lúc bấy giờ. Các tuồng của đoàn Dạ Lý Hương đều theo sát những xu hướng, trào lưu của thời cuộc đương đại.
Khi phong trào hippy (tên gọi văn hóa, lối sống của giới trẻ Mỹ những năm 1960 từng lan rộng ra nhiều quốc gia) lên ngôi, đoàn có ngay những tác phẩm về hiện thực xã hội qua ngòi bút của đôi soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng.
Dưới thời Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết đóng những vở ăn khách bậc nhất sự nghiệp, trong đó có tuồng Tuyệt tình ca - tác phẩm Bạch Tuyết đóng chính, kể về chuyện đời của những cô gái quán bar, giúp bà được nhiều tờ báo tôn vinh với danh hiệu "cải lương chi bảo".
Với sự điều hành của Bầu Xuân cùng đôi liên danh Bạch Tuyết - Hùng Cường, Dạ Lý Hương thời điểm đó đã đánh bại nhiều đoàn hát để trở thành đoàn ăn khách số một ở Sài Gòn.
Sau này, khi đoàn giải thể, Bạch Tuyết và Bầu Xuân ít còn dịp gặp nhau. Thi thoảng, bà cùng các đồng nghiệp đến chùa Nghệ sĩ quận Gò Vấp - nơi ông giữ nhiệm vụ chăm nom - và ôn lại chuyện cũ.
Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn cần mẫn với việc quản lý sổ sách, cân đối thu chi cho các nghệ sĩ. "Với tôi, ông vẫn là ông bầu hiền lành với tấm lòng quảng đại, không tham danh vị, tiền tài mà chỉ một lòng hướng về cải lương", Bạch Tuyết nói.
Bầu Xuân tên thật là Diệp Nam Thắng, sinh năm 1927 tại Sài Gòn. Thuở nhỏ, ông học ở trường Phú Lâm, nhà nghèo, vừa đi học vừa đội bánh bò đi bán.
Thời gian sau, cha ông kinh doanh phát đạt nên đã gởi ông sang Hong Kong học tiếng Anh và tiếng Hoa đến hết trình độ trung học. Sau đó, ông được cha cho theo tàu buôn hàng Sài Gòn - Campuchia rồi về nước lập công ty xuất nhập khẩu.
Ông bắt đầu làm bầu cải lương vào đầu thập niên 1960. Thời gian đầu thất bại, ông vẫn quyết tâm bám trụ, nhờ vậy đã gây dựng một đoàn hát quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh, đoạt huy chương vàng Thanh Tâm và được khán giả yêu mến.
Từ trái sang: danh ca Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Hồng Nga, Thanh Sang trong vở "Tuyệt tình ca" trên sân khấu Dạ Lý Hương. Ảnh: cailuongso. |
Năm 1963, ông mời các bậc thầy trong làng ca cổ như NSND Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân, soạn giả Thiếu Linh... họp bàn và quyết định thành lập đoàn Dạ Lý Hương.
Giám đốc đoàn là Bầu Xuân, phó giám đốc là ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc nghệ thuật là nghệ sĩ Ba Vân, đài trưởng là đạo diễn Hoàng Việt, soạn giả thường trực có: Thiếu Linh, Hà Triều, Hoa Phượng.
Năm 1964, Dạ Lý Hương cải tiến, mời thêm những nghệ sĩ về như: Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Hoàng Giang, Văn Chung, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Sau này, soạn giả Viễn Châu cũng về làm việc. Đoàn cho ra đời những kịch bản xã hội ăn khách.
Đoàn Dạ Lý Hương hoạt động gần 5 năm, đến năm 1968 thì ngưng. Năm 1974, Dạ Lý Hương diễn vở hát cuối cùng tại rạp Quốc Thanh, Sài Gòn rồi giải thể.
Sau năm 1975, Bầu Xuân lập lại đoàn và công diễn Kiều - vở cuối trong sự nghiệp của ông. Sau này, ông gắn bó với các hoạt động từ thiện của NSND Phùng Há, tham gia ban quản lý chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ.